Văn bản nhiều lỗi chính tả ở Đắk Nông gây xôn xao
Người dân xôn xao bàn tán về một văn bản do phường Nghĩa Trung (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) với cả đống lỗi chính tả, ảnh hưởng tới cả ngữ nghĩa nhưng vẫn được ban hành và chấp nhận sử dụng.
Sáng 24/6, trên mạng xã hội lan truyền một ảnh chụp màn hình văn bản hành chính của UBND phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Sở dĩ văn bản này gây xôn xao vì trong đó không chỉ có một mà xuất hiện rất nhiều lỗi chính tả (sai dấu, thiếu từ, thiếu dấu câu…) nhưng cả người soạn thảo văn bản và người ký ban hành lại không rà soát kỹ lưỡng.
Nhiều người cho rằng, khi công dân đi làm thủ tục hành chính, chỉ cần sai một chữ là bị trả về, yêu cầu sửa lại nhiều lần. Tuy nhiên, phường Nghĩa Trung lại ra một văn bản với nhiều lỗi sai chính tả, trong đó có những lỗi sai rất cơ bản nhưng lại được phát hành rộng rãi.
Sáng 24/6, một lãnh đạo phường Nghĩa Trung xác nhận văn bản do đơn vị ban hành vào ngày 20/6 để thực hiện việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận xây dựng khu dân cư tại địa phương.
Theo vị này, phường đã nhận được nhiều phản ánh của người dân. Tuy nhiên, do văn bản đã được phát đến các tổ dân phố để triển khai, việc phổ biến với người dân cũng đã thực hiện xong nên đơn vị này không thu hồi văn bản với nhiều lỗi sai chính tả nêu trên.
“Một phần nguyên nhân là anh em ảnh hưởng từ tiếng địa phương dẫn đến việc viết sai. Sau khi soạn thảo xong, anh em cũng bất cẩn, không rà soát cẩn thận lại. Địa phương sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc sau sự việc này”, lãnh đạo phường Nghĩa Trung chia sẻ trên báo Dân Trí.
Tuy nhiên việc dùng những từ lóng địa phương trong văn bản mặc nhiên là thừa nhận những cái chưa quy chuẩn và gây phản cảm, thiếu tôn trọng đối với người nhận, đọc văn bản. Với công nghệ như hiện nay thì rất dễ để rà soát lỗi chính tả bằng các phầm mền như sử dụng Word và Google Docs một cách nhanh chóng.
Một báo cáo về tình hình chính tả văn bản do Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty VieGrid công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ lỗi chính tả trong văn bản tiếng Việt đã ở mức báo động, vượt quá cao so với tiêu chuẩn.
Khu vực chính quyền địa phương và các cơ quan thuộc Bộ cũng có tỷ lệ lỗi chính tả khá cao. Đặc biệt, có đơn vị có tỷ lệ lỗi gần 40% như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm với những lỗi phổ biến là dùng sai từ (các từ sai phổ biến như: bổ xung, sử lý, xử dụng, sáng lạn, cọ sát, thăm quan…)