Giãn cách xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em
Các giáo viên Mỹ cho biết các hình thức giãn cách trong đại dịch Covid-19 đã làm tổn hại đến sự phát triển của trẻ em theo hướng khó có thể vãn hồi.
The Epoch Times dẫn lời một số giáo viên cho biết những đứa trẻ bị giãn cách xã hội không được phát triển về mặt tinh thần theo cùng một cách. Khi các chính phủ đóng cửa trường học trong nhiều tháng, chấm dứt các hoạt động vui chơi, tụ tập, trẻ em buộc phải ở nhà và bị cô lập trong đau đớn.
Giờ đây, các giáo viên trên khắp nước Mỹ nói rằng lứa trẻ em hiện nay tụt hậu so với những năm bình thường. Những đứa trẻ lớn có ít bạn hơn và trí óc chậm chạp hơn, trong khi một số trẻ nhỏ không có nhu cầu kết bạn.
“Một trong những khác biệt lớn nhất là số lượng trẻ em không có ngôn ngữ”, nhà nghiên cứu bệnh lý học ngôn ngữ Rachel Garcia cho biết.
Khi các cuộc phong tỏa vì Covid-19 tiếp diễn, bà Garcia nhận thấy rằng trẻ em từ ba tuổi trở xuống không biết học cách nói chuyện. Hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu biết nói vào khoảng một tuổi. Nhưng nhiều trẻ em trong thời gian giãn cách không biết nói chuyện dù đã biết đi.
“Tôi đã thấy có nhiều hơn những trẻ em 2-3 tuổi chưa biết nói”, bà Garcia cho biết. “Theo kinh nghiệm của tôi, số lượng này là nhiều hơn so với những năm không có Covid trước đây.”
Bà Garcia nói rằng nguyên nhân dường như là vì những đứa trẻ này bị cô lập hoàn toàn khỏi những đứa trẻ khác. Việc trẻ con dành thời gian bên nhau sẽ giúp chúng học cách nói chuyện.
Nhưng một số trẻ em bị giãn cách trong thời gian dài và không được gặp bất kỳ đứa trẻ nào khác, hay thậm chí người nào khác ngoài cha mẹ chúng. Vì vậy, khi gặp người khác, chúng cảm thấy kinh hãi.
Bà Garcia nói rằng nếu chỉ tiếp xúc với cha mẹ, thì trẻ em có thể chẳng buồn học ngôn ngữ, vì cha mẹ luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu của con mà con không cần nói.
Hơn nữa, bố mẹ có khả năng ngôn ngữ cực kỳ vững vàng. Trẻ nhỏ cảm thấy như chúng không thể đạt được trình độ đó, vì vậy chúng không buồn học hỏi.
Bà Garcia nói, những đứa trẻ bị giãn cách cô đơn đến mức chúng không biết ý nghĩa của sự cô đơn. Họ hoàn toàn hài lòng khi chơi một mình và không thấy có nhu cầu phải kết bạn.
Lo ngại về trẻ em khi giãn cách xã hội
Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng chậm phát triển như thế này có tác động lâu dài đối với trẻ em. Vốn từ vựng của một đứa trẻ 2 tuổi có thể dự báo sự thành công của chúng khi chúng bắt đầu đi học, từ đó dự đoán sự thành công sau này trong cuộc sống.
Ngay cả những đứa trẻ không bị cô lập cũng gặp phải những trở ngại lớn trong việc học hành. Trẻ em phải học cách phân biệt các âm thanh giống nhau và nhận biết các nét mặt khác nhau. Việc đeo khẩu trang khiến trẻ em cảm thấy hai nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn. Vì khẩu trang che đi biểu cảm của người lớn, trẻ em hiểu được ý nghĩa từ lời nói của họ ít hơn.
Một cuộc khảo sát gần đây của Education Endowment Foundation cho thấy 55 trong số 57 trường học cho biết họ “rất quan ngại” hoặc “khá lo lắng” về khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ của trẻ em.
Vẫn còn quá sớm để kết luận về hậu quả của các biện pháp phong tỏa đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo một số giáo viên, việc giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến trẻ lớn trên khắp nước Mỹ theo cách tương tự. Từ lớp 2 đến trung học, trẻ em dường như chậm phát triển so với mức thông thường khoảng hai năm, theo ý kiến của một số giáo viên chia sẻ với The Epoch Times.