Tin 17/1: Ông Nguyễn Xuân Phúc không còn là Chủ tịch nước; Bộ Chính trị còn 16 người
Chiều 17/1, ông Nguyễn Xuân Phúc không còn giữ chức Chủ tịch nước, sau khi cuộc họp bất thường do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì kết thúc và ra thông cáo.
Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương vào chiều 17/1/2023 do ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư chủ trì nhằm ‘xem xét và cho ý kiến về công tác nhân sự’.
Theo thông cáo, công tác nhân sự được bàn là việc ông Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026 – xin ‘thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu’.
Hội nghị cho rằng, trong nhiệm kỳ Thủ tướng 2016 – 2021 ông Phúc ‘có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng’. Tuy nhiên, ông Phúc ‘chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu’ khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
Thông cáo nói rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đã ‘nhận rõ trách nhiệm’ và có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Với việc Ban chấp hành Trung ương đã thông qua, ông Phúc sẽ thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Thông cáo của cuộc họp chiều 17/1 cũng như các nguồn tin chính thức trong nước chưa cho biết người sẽ thay ông Nguyễn Xuân Phúc ở vị trí Chủ tịch nước.
Như vậy, với việc ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Phạm Bình Minh không còn nằm trong Bộ Chính trị, cơ quan này sẽ còn 16 ủy viên.