Mỹ đưa ra yêu cầu khẩn cấp đối với Ukraine
Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua gói hỗ trợ mới trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine và một điều lạ lùng đã xảy ra. Đó là các cuộc thảo luận về chiến thắng của Ukraine đã nóng lại ở Washington.
Trong một vài tháng qua, các quan chức Mỹ đã đưa ra những cảnh báo ảm đạm về việc nếu không được hỗ trợ, phòng tuyến Ukraine có thể sụp đổ và quân đội Nga sẽ một lần nữa tiến vào Kiev. Tuy nhiên, khi điều tồi tệ nhất đã tránh được, những kỳ vọng đặt ra sẽ cao hơn. Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang cố gắng tăng cường năng lực của Lực lượng Vũ trang Ukraine trong 10 năm, một kế hoạch có thể lên tới hàng trăm tỷ USD, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Ukraine sẽ tiến hành một cuộc phản công khác vào năm 2025.
Dù vậy, theo các nhà quan sát nhận định trên Foreign Policy, sự lạc quan này đã bị đặt sai chỗ. Gói hỗ trợ mới được thông qua có thể là gói hỗ trợ lớn cuối cùng mà Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Theo nhà phân tích địa chính trị Ian Bremmer: “Việc Mỹ duy trì cung cấp cho Ukraine 60 tỷ USD hỗ trợ hàng năm là một điều phi thực tế cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống”. Gói hỗ trợ hiện tại chủ yếu sẽ giúp Ukraine ở vị thế tốt hơn cho các cuộc đàm phán tương lai. Nó cũng sẽ cải thiện tình trạng thiếu hụt đạn dược và vũ khí, cũng như giúp các lực lượng của Kiev tổn thất ít lãnh thổ hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên, Ukraine vẫn đối mặt với những thách thức khác: đó là tình trạng không có đủ các công sự, thiếu nhân lực và quân đội Nga mạnh hơn về mọi mặt. Nhìn chung, Ukraine vẫn ở thế yếu và sự hỗ trợ của phương Tây không thay đổi thực tế này.
Vì vậy, Tạp chí Foreign Policy viết rằng: Chính quyền Joe Biden nên công khai bày tỏ sự không đồng tình với các mục tiêu phi thực tế của Kiev về việc trả lại các vùng lãnh thổ.
Bài báo viết : “Chính quyền nên công khai tuyên bố rằng lợi ích của Ukraine và Mỹ không trùng nhau và mục tiêu mà Kiev đã tuyên bố là trả lại từng tấc lãnh thổ của Ukraine là không thực tế. Lợi ích quan trọng nhất của Mỹ là đảm bảo sự tồn tại của Ukraine như một nhà nước có chủ quyền và tránh xung đột trực tiếp với Nga.”.
Ấn phẩm cho rằng Biden quá ít chú ý đến việc hoạch định chiến lược cho các hành động của Mỹ ở Ukraine. Toàn bộ kế hoạch của Nhà Trắng là đảm bảo dòng tiền không bao giờ cạn cho Kiev. Tuy nhiên, các tác giả tin rằng, chiến lược như vậy sớm hay muộn sẽ thất bại. Theo tạp chí này, các chính trị gia ở Washington chỉ đưa ra những quan điểm cấp tiến được ăn cả ngã về không thay vì những lựa chọn thay thế thực tế cho đường lối hiện tại của Hoa Kỳ.
Foreign Policy nhấn mạnh: “Một điều nữa không kém phần quan trọng: đã đến lúc nỗ lực đàm phán giữa Nga và Ukraine”… và theo những tiết lộ gần đây về những cuộc đàm phán trước đó giữa Kiev và Moscow, tiến trình này không phải là bất khả thi.
Vào cuối tháng 3, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky lần đầu tiên thừa nhận rằng các cuộc đàm phán với Moscow có thể bắt đầu mà không cần Ukraine quay trở lại đường biên giới năm 1991. Theo ông, Nga sẽ “sẵn sàng đối thoại nếu mất các lãnh thổ” đã trở thành một phần của nước này sau khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt.
Trước đó, Điện Kremlin tuyên bố hiện không có điều kiện tiên quyết nào để tình hình Ukraine chuyển sang hướng hòa bình; ưu tiên tuyệt đối của Nga là đạt được các mục tiêu của chiến dịch đặc biệt; hiện tại điều này chỉ có thể thực hiện được bằng biện pháp quân sự.