Đất cho nhà ở xã hội không phải “đầu thừa đuôi thẹo”, tránh xây “1 thiếu 2 thừa”

Quy hoạch đất cho nhà ở xã hội không thể là chuyện “cho có” với những mảnh đất “đầu thừa đuôi thẹo”. Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh phải rà soát nhu cầu sát thực tế, giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương để tránh tình trạng “xây 1 thì thiếu, xây 2 lại thừa”, đảm bảo đúng đối tượng, đúng vị trí, đúng nhu cầu.
- Ý kiến – Bỏ án tử hình với 4 tội danh: “Nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào”
- Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện kích hoạt lại khu cách ly, sẵn sàng ứng phó COVID-19
- “Chỉ khi sáp nhập và tinh giản, tôi mới hiểu ổn định là… cái bẫy”
Nội dung chính
Đại biểu đề nghị: Không để nhà ở xã hội rơi vào thế “1 thiếu 2 thừa”
Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu thẳng thắn chỉ ra bất cập trong quy hoạch và triển khai các dự án NƠXH, đặc biệt là việc bố trí đất đai và tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng.
Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) cho rằng, nhiều nơi quy hoạch đất cho NƠXH ở các vị trí quá xa trung tâm, không thuận tiện cho sinh hoạt, khiến nhà có nhưng không ai ở. “Vị trí đất phải gắn liền với điều kiện làm việc, kinh tế, sinh nhai của người dân, chứ không phải là những khu đất đầu thừa đuôi thẹo” – ông Thuận nhấn mạnh.
Rà soát hàng năm, quy hoạch sát nhu cầu thực tế
Ông Thuận đề xuất, cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, đặc biệt là người đứng đầu như Chủ tịch tỉnh, trong việc rà soát nhu cầu về số lượng, loại hình và diện tích căn hộ NƠXH. Điều này giúp tránh tình trạng “xây 1 thì thiếu mà xây 2 lại thừa” – tức quy hoạch thiếu chính xác, gây lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả sử dụng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng phân biệt rõ giữa “nhà ở xã hội” và nhà công vụ, tránh hiểu nhầm mục đích sử dụng. Theo ông, “nhà công vụ là gần nơi làm việc, còn NƠXH phụ thuộc vào gia đình họ” – có thể nơi làm việc ở Hà Nội, nhưng gia đình lại ở tỉnh khác, nhu cầu sẽ hoàn toàn khác nhau.
Cần linh hoạt tiêu chí, tránh áp dụng cứng nhắc
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng tiêu chí “nhà hiện có cách nơi làm việc 30km mới được thuê/mua NƠXH” là cứng nhắc và thiếu thực tế. Với điều kiện hạ tầng khác nhau giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách địa lý không phản ánh chính xác nhu cầu thực tế.
Ông Quân đề nghị cần xét thêm yếu tố hoàn cảnh gia đình, phân biệt giữa người độc thân và người có gia đình, đồng thời linh hoạt trong quy định về khoảng cách giữa nơi ở và nơi làm việc để đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng.
Chủ tịch Quốc hội: Sớm tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, nhà ở xã hội là vấn đề được người dân quan tâm sâu sắc, đặc biệt là công nhân và người thu nhập thấp. Dù cả nước đã có 657 dự án NƠXH từ năm 2021 đến nay, nhưng số lượng căn hộ hoàn thành mới chỉ đạt 15,6%.
“Mục tiêu đến năm 2030 phải xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”, ông Mẫn nhấn mạnh. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng còn rất chậm, do thiếu chỉ đạo quyết liệt và vướng mắc thủ tục hành chính.
Ông chia sẻ thêm: “Người dân không an cư thì làm sao lập nghiệp được? Ở nhiều nước, trong khu công nghiệp có cả trạm y tế, siêu thị, trường học đi kèm nhà ở cho công nhân. Việt Nam cần đi theo hướng đó để công nhân yên tâm lao động sản xuất”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Thủ tướng đã trực tiếp đề nghị cần sớm đẩy nhanh việc thông qua nghị quyết về NƠXH để gỡ nút thắt trong chính sách và triển khai hiệu quả hơn.
Theo: Vietnamnet