Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel: “Iron dome”, “David’s sling”, “Arrow” và “THAAD” hoạt động như thế nào?

Israel đang vận hành một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng tinh vi nhất thế giới để đối phó với làn sóng tấn công từ “Iran”, “Hezbollah”, “Hamas” và phiến quân Houthi. Các hệ thống như “Iron Dome”, “David’s Sling”, “Arrow” và mới nhất là “Thaad” do Mỹ cung cấp, đang phối hợp nhằm bảo vệ không phận quốc gia trước nguy cơ leo thang xung đột.
- Nga lên tiếng về xung đột Israel – Iran: Kêu gọi đối thoại, phản đối Mỹ can dự
- Vì sao Ông Trump ủng hộ Israel? Không chỉ vì chiến tranh, mà còn là một chiến lược chiến thắng
- Tổng thống Mỹ siết chặt vòng quyết sách: Donald Trump lắng nghe ai trong bài toán Iran?
Nội dung chính
Lá chắn tên lửa dày đặc trước làn sóng tấn công liên tiếp
Trong những tháng gần đây, hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel liên tục được kích hoạt để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái từ nhiều hướng: Iran, lực lượng Hezbollah ở Lebanon, Hamas tại Dải Gaza và phiến quân Houthi ở Yemen. Đặc biệt, sau đợt tấn công ồ ạt từ Iran hôm 1/10, Israel được cho là đã huy động toàn bộ các hệ thống phòng thủ đang có để đáp trả hơn 180 quả tên lửa, trong đó một số đã xuyên thủng lưới chắn và rơi vào lãnh thổ.
Dù hệ thống đạt tỷ lệ đánh chặn cao – Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) khẳng định từng chặn được đến 99% tên lửa Iran trong đợt tấn công hồi tháng 4 – nhưng vẫn có những kẽ hở. Đơn cử là vụ máy bay không người lái của Hezbollah tấn công căn cứ quân sự gần Binyamina ngày 13/10, khiến 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Trước mối đe dọa leo thang, Mỹ đã triển khai thêm hệ thống “Terminal High-Altitude Area Defense” – gọi tắt là “Thaad” – để hỗ trợ phòng thủ cho Israel. Hệ thống này sẽ kết hợp với những lớp chắn hiện có: “Iron Dome”, “David’s Sling”, “Arrow 2” và “Arrow 3”.


“Iron Dome” hoạt động như thế nào?
“Iron Dome” là hệ thống phòng không nổi tiếng nhất của Israel, được thiết kế để đánh chặn các loại rocket tầm ngắn, đạn pháo và súng cối trong phạm vi từ 4km đến 70km. Mỗi tổ hợp “Iron Dome” gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ chứa 20 tên lửa đánh chặn “Tamir” trị giá khoảng 50.000 USD.
Hệ thống hoạt động theo nguyên tắc: radar sẽ phát hiện đường bay của vật thể lạ, tính toán điểm rơi và chỉ kích hoạt đánh chặn nếu đe dọa khu vực dân cư. Tỷ lệ đánh chặn của “Iron Dome” được IDF khẳng định là khoảng 90%.

Được phát triển sau cuộc chiến tranh “Mùa hè năm 2006” với Hezbollah – khi gần 4.000 quả rocket trút xuống lãnh thổ Israel – “Iron Dome” chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011 và đã trở thành biểu tượng của năng lực phòng thủ của quốc gia này.
“David’s Sling” – Lá chắn trung tầm và tên lửa hành trình
Hệ thống “David’s Sling” được thiết kế để tiêu diệt các mối đe dọa lớn hơn: tên lửa hành trình, tên lửa tầm trung và tầm xa – với phạm vi lên đến 300km. Được phát triển bởi Rafael Advanced Defense Systems (Israel) và Raytheon (Mỹ), hệ thống bắt đầu hoạt động từ năm 2017.
Cũng giống như “Iron Dome”, “David’s Sling” chỉ đánh chặn các mục tiêu đe dọa đến khu dân cư. Mỗi tên lửa “Stunner” sử dụng trong hệ thống có giá khoảng 1 triệu USD.

“Arrow 2” và “Arrow 3” – Vũ khí chiến lược chống tên lửa đạn đạo
“Arrow 2” và “Arrow 3” là hai lớp chắn cao nhất, chuyên để đối phó với tên lửa đạn đạo. “Arrow 2” hoạt động ở tầng khí quyển trên cao, khoảng 50km, và có thể phát hiện mục tiêu từ 500km, chặn ở khoảng cách tối đa 100km. Tên lửa của hệ thống này bay nhanh gấp 9 lần tốc độ âm thanh và có thể xử lý đồng thời 14 mục tiêu.
“Arrow 3” thì hoạt động ngoài khí quyển, có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo ở đỉnh quỹ đạo, với tầm hoạt động lên đến 2.400km. Nó từng được sử dụng năm 2023 để chặn tên lửa do Houthi phóng về thành phố Eilat ở miền Nam Israel.
“Thaad” – Lớp chắn cao nhất do Mỹ bổ sung
Sau đợt tấn công của Iran hồi tháng 10, Mỹ đã nhanh chóng điều động hệ thống “Thaad” đến hỗ trợ Israel. Đây là hệ thống đánh chặn tầm cao, có thể tiêu diệt tên lửa địch ở giai đoạn cuối của quỹ đạo bay – cả trong và ngoài khí quyển – ở tầm xa từ 150 đến 200km.
Một tổ hợp “Thaad” điển hình gồm 6 bệ phóng, mỗi bệ chứa 8 tên lửa. Quân đội Mỹ cũng đã cử khoảng 100 binh sĩ sang vận hành hệ thống này.
“Thaad” bắt đầu được sử dụng từ năm 2015 và hiện đã được bán cho các đồng minh như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Chiến lược “lá chắn nhiều tầng”
Hệ thống phòng thủ của Israel được ví như một “lá chắn nhiều tầng” – mỗi tầng phụ trách một khoảng không chiến lược khác nhau, từ tầm ngắn đến siêu xa, từ bên trong đến bên ngoài khí quyển. Trong bối cảnh Trung Đông ngày càng căng thẳng, khả năng đánh chặn chủ động và liên hoàn như vậy đang giúp Israel đứng vững trước các mối đe dọa từ mọi hướng. Tuy nhiên, những sự cố như vụ Hezbollah tấn công căn cứ Binyamina cho thấy, không một lá chắn nào là hoàn hảo tuyệt đối. Và Israel, với sự hỗ trợ từ Mỹ, vẫn đang tiếp tục nâng cấp hệ thống phòng thủ để đối phó với tương lai nhiều bất định phía trước.
Theo BBC