Virus siêu nguy hiểm tấn công tôm nuôi ở Trung Quốc
Một loại virus được đánh giá là siêu nguy hiểm đang tấn công các vựa tôm nuôi ở Quảng Đông – Thủ phủ tôm của Trung Quốc. Mức tàn phá của virus này được đánh giá là “một con nhiễm, hủy diệt cả đàn”.
- Tôm sú “khổng lồ” giảm giá sâu kỷ lục, dân tình đổ xô “săn”về ăn
- Trung Quốc siết nhập khẩu, 2.600 xe nông sản dồn ứ ở Lạng Sơn
- Tôm hùm baby giảm giá mạnh, cá hồi Sa Pa ế ẩm vì Covid-19
Loại virus này được gọi là Decapod hay Div1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2014 và nay đã bất ngờ tái xuất. Ước tính khoảng 25% diện tích các ao nuôi của hang chục nghìn hộ gia đình tại Quảng Đông đã bị ảnh hưởng, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Bàng hoàng vì dịch bệnh ập đến, giới nông nghiệp Trung Quốc dự đoán, sự lây lan của loại virus nguy hiểm này giống như đại dịch tả lợn châu Phi khi đã xóa sổ tới 60% đàn lợn nước này.
Điều nguy hiểm của Div 1 là khi loại virus này tấn công vào một con, thì coi như cả một diện tích nuôi rộng lớn bị hủy diệt. Một người nuôi ở ngoại ô thành phố Giang Môn nói, chỉ trong vòng hai đến ba ngày kể từ khi phát hiện ao nuôi bị nhiễm virus, toàn bộ ao tôm đã chết sạch. Các dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên là tôm chuyển sang màu đỏ, vỏ mềm dẫn rồi chìm xuống đáy ao.
“Mức độ lây nhiễm và gây chết tôm của nó là quá khủng khiếp. Nó hại chết bất cứ loại tôm nào”, người này nói.
Theo các trang báo Trung Quốc, virus Div1 từng hoành hành tại các vựa nuôi tôm ở nước này trong năm 2018; tuy nhiên, so sánh với những gì đang diễn ra, thì dịch bệnh 2 năm trước chỉ là khúc dạo đầu. Mức thiệt hại và nguy hiểm của năm nay mới thực sự kinh hoàng.
Một điều giống như virus Conrona chủng mới đang là nỗi ám ảnh lớn nhất của toàn nhân loại, đó là nguồn gốc và cách truyền nhiễm của Div1 chưa được làm rõ. Giới chức Trung Quốc chỉ lờ mờ dự đoán và hy vọng rằng, khi thời tiết ấm lên, virus Div 1 suy yếu thì tình hình có thể khá hơn.
Đến nay chưa có thông tin khẳng định virus Div 1 có thể truyền sang người; nhưng tốc độ lây lan của chúng trên mặt nước là quá rõ. Điều đáng lo ngại là Div 1 sẽ “vượt biên” Trung Quốc để đến các quốc gia khác.
“Theo những gì chúng ta biết, ngoài Trung Quốc, virus cũng đã xuất hiện ở Đông Nam Á”, báo Zing dẫn lời ông Huang Jie, tổng giám đốc Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản ở Châu Á-Thái Bình Dương cho biết. Theo ông Jie, bùng phát lan rộng có thể xảy ra nếu thiếu sự quan tâm từ ngành nuôi tôm và trong các cơ quan chính phủ có liên quan.
Những năm qua, tôm là món khoái khẩu của người dân Trung Quốc. Ngoài nguồn nuôi trong nước, Trung Quốc cũng nhập tôm của nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 800.000 tấn tôm từ các nước trên thế giới.