Thai phụ tuần 37 dặn chồng ‘em nhường sự sống cho con’ đã ra đi
Biết mình bị viêm màng não khi đang mang thai ở tuần 37, người mẹ 25 tuổi chấp nhận đánh đổi cả sinh mệnh của mình cứu lấy con.
- ‘Ông chú’ lam lũ sắm Tết cho vợ con khiến cô bán hàng thốt lên lời nể phục
- Công chúa Phương Mai – con gái vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu qua đời
- Cựu phó công an xã 30 tuổi thiệt mạng trong trụ sở, để lại một lá thư
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tiên (ngụ thôn 6, xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Sau ca mổ lấy con, chị Tiên đã rời xa cõi trần, trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19/1, khi chưa một lần được nhìn thấy mặt con trai.
Hạnh phúc chưa trọn vẹn
Chia sẻ với PV báo Thanh Niên, anh Phan Văn Nam (27 tuổi, chồng chị Tiên) cho biết, anh đã trải qua cú sốc lớn nhưng phải gắng gượng để lo việc mai táng vợ và là chỗ dựa cho con trai mới chào đời.
Sau 7 năm yêu nhau, hai anh chị mới tổ chức đám cưới vào đầu năm 2020. Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ được nhân đôi khi chị Tiên mang thai đứa con trai đầu lòng. Ở miền quê nghèo Hà Tĩnh không có việc làm ổn định, vợ chồng anh chị quyết định ra tận Bắc Ninh làm công nhân trang trải cuộc sống.
Ngỡ hạnh phúc gõ cửa, anh chị cố gắng chắt chiu, vun vén cho tổ ấm của mình để đón con ra đời, thì bất ngờ mọi chuyện không hay lại ập đến. Đầu tháng 1 vừa qua, khi đang mang thai ở tuần 37, chị Tiên xin nghỉ việc để về nhà để chờ sinh con. Về quê được vài hôm thì chị thấy cơ thể mình yếu, đầu hay choáng váng. Nghe vậy anh Nam nghỉ việc về đưa vợ đi khám. “Ngày 9/1, tôi dẫn vợ ra một bệnh viện tư nhân ở TP. Vinh, Nghệ An để nhập viện. Tại đây, bác sĩ bảo vợ tôi bị vi rút xâm nhập vào đầu. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ kết luận vợ tôi bị viêm màng não, tính mạng của cả mẹ lẫn con đang bị đe dọa nên cần phải mổ gấp”, anh Nam nhớ lại.
Anh Nam được các bác sĩ khuyến cáo: Việc gây tê tủy sống để mổ lấy thai là vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là khi vợ anh đang mắc căn bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ cho hay: “Ca mổ sẽ là 50/50 nên chị Tiên có thể sẽ vĩnh viễn không tỉnh lại. Gia đình cần phải ký cam kết và chuẩn bị tinh thần trước”.
Trước ca mổ, sức khỏe của chị Tiên yếu hẳn, lúc tỉnh, lúc mê. Sau khi hỏi ý kiến người thân, anh Nam ký vào bản cam kết vì không còn sự lựa chọn nào khác. “Trước ca mổ vợ tôi nói nếu vợ có mệnh hệ gì thì hãy cứu lấy con trai trước. Vợ chấp nhận hy sinh để con được sống. Nghe vợ nói vậy, nước mắt tôi cứ trào ra”, anh Nam kể.
Chấp nhận hy sinh, mong con hãy sống thay phần của mẹ
Ca mổ lấy thai thành công, bé trai nặng 3,3 kg chào đời an toàn nhưng chị Tiên rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Gần 5 ngày sau, chị Tiên tỉnh lại, trò chuyện với chồng được 30 phút thì rơi vào tình trạng nguy kịch, các bác sĩ chuyển chị ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sau đó được cho về vì đã chết não, không còn cách nào để cứu sống.
Anh Nam nói vợ anh qua đời khi chưa lần nào được nhìn thấy mặt con: “Khi sinh con ra thì Tiên hôn mê. Hôm tỉnh thì vẫn chưa gặp được con vì thằng bé sinh ra bị nhiễm khuẩn, đang được các bác sĩ chăm sóc. Khi bệnh viện trả về thì Tiên đã chết lâm sàng rồi, không kịp nhìn mặt con lần cuối”, báo Doanh nghiệp và Tiếp thị ghi lại lời anh Nam nói trong nước mắt.
Từ khi chào đời đến nay vì bề bộn lo cho vợ anh Nam nên khi con sinh ra anh phải nhờ người thân chăm sóc. Sau khi lo xong hậu sự cho vợ, anh mới đón con trai về nhà. Toàn bộ kinh phí chữa bệnh cho vợ anh đang nợ người thân gần 50 triệu đồng. Phía trước là những ngày tháng dài khó khăn, khi anh sẽ phải chịu tình cảnh “gà trống nuôi con”.