Cô bán hàng bất ngờ bởi phía sau dáng vẻ lam lũ, gương mặt khắc khổ của ông khách lạ là một thái độ sống đàng hoàng với cử chỉ, ngôn hành mực thước.

Những ngày qua, câu chuyện cảm động về một ‘ông chú’ sắm Tết cho vợ con được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Câu chuyện được đăng trên trên trang Facebook cá nhân có tên Bao Nguyên Quang – thường được biết đến với các bài chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động.

Sự việc được chính người bán hàng kể lại với nội dung: “Sáng nay bán cho chú này mà cảm động quá. Chú bước vào xem đồ, chân tay lóng ngóng, giọng nói nhỏ nhẹ. “Ghé nãy mà đông khách quá không dám vô, tôi mới làm về, ăn mặc thấy ghê quá sợ khách của cô đi mất. Đắn đo mãi không định vào mà thấy xả hàng nên tôi vào mua cho vợ với con bé tấm áo mới. Cả năm vất vả rồi cô ạ”.

Nghe chú nói mà nghẹn ngào, đàn ông hơn nhau đúng ở cái nhân cách. Chú tuy áo hơi bẩn nhưng nhân cách sáng ngời, ăn nói lịch sự lại tâm lý vợ con.

Khó khăn vất vả vẫn lo cho vợ con cái Tết đàng hoàng. Nể phục chú, người đàn ông của năm”.

“Ghé nãy mà đông khách quá không dám vô, tôi mới làm về, ăn mặc thấy ghê quá sợ khách của cô đi mất”, người đàn ông nghèo khó nhưng cử chỉ, lời nói là nghĩ đến người khác.

Dưới bài viết, nhiều bạn đọc của trang Facebook Bao Nguyên Quang đã dành những lời chia sẻ cảm phục với người đàn ông trong chuyện:

“Yêu.Tính người khiêm tốn, hòa nhã”.

“Một sự tử tế của người tử tế. Chúc chú ấy được thăng tiến và hạnh phúc trong cuộc sống”.

“Một người chồng người cha tuyệt vời”.

Và lòng tự trọng của một người buôn bán ve chai

Bên cạnh câu chuyện trên, tác giả cũng chia sẻ chuyện của chị Trịnh Thị Thu Thanh kể về một hành động ấm áp của một người lao động lam lũ khác.

“Tám giờ sáng, vừa ngồi vào bàn làm việc đã thấy một chị ăn mặc khá nhếch nhác, rụt rè bước vào văn phòng tôi: – Chị ơi cho em gửi tiền!

Tiền gì hả chị? – tôi ngạc nhiên.

Hôm qua em có lấy mớ cạc-tông ngoài cửa, em gửi tiền chú bảo vệ nhưng chú ấy không nhận, nên hôm nay em quay lại gửi chị.

Ôi chị ơi, em để đó ai lấy thì lấy, có đáng bao nhiêu đâu ạ. Từ mai chị cứ ghé lấy nhé…!

Chị dứt khoát giúi tiền vào tay tôi: – Dạ, cám ơn chị, nhưng em không xin đâu, bìa cạc-tông em vẫn mua năm ngàn một ký, mớ hôm qua cân được 2 ký em gửi chị mười ngàn ạ, chị cầm phụ vào tiền rác.

Nói xong chị chạy vù ra cửa như sợ tôi đuổi theo, rồi chị leo lên chiếc xe cà tàng đạp đi mất. Cầm tờ mười ngàn trên tay, tôi thật không biết nói gì…!

Cuối năm do nhận làm quà tết, lượng bìa thải ra rất nhiều, trước tôi hay gom bán, nhưng rồi do nhà chật và bán cũng không được bao nhiêu nên nghĩ “thôi cứ để đó ai cần thì lấy, hoặc để người lượm ve chai có thêm chút ít cuối năm…”.

Hình ảnh lam lũ nhưng trong veo, chân thật của chị khiến tôi nghĩ mãi. Chị nghèo nhưng SẠCH, rách nhưng ĐẸP. Chị đẹp vô cùng, nét đẹp của một người tự trọng – khá hiếm hoi trong xã hội thời nay…!

Tiền quả thật rất quan trọng, nhưng đối với một số ít người, nó đã và sẽ không bao giờ mua được nhân cách.

Cảm ơn chị, một người nghèo nhưng đầy lòng tự trọng, một người mua ve chai bình dị nhưng đã giúp tôi thêm yêu đời, tin người và vui sống…!”

Ảnh: Trịnh Thị Thu Thanh