Bắc Kinh ‘nắn gân’ chính quyền Biden phải chơi theo luật của ĐCS Trung Quốc
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm thứ Hai (1/2) đã cảnh báo chính quyền của Tổng thống Joe Biden chớ nên vượt qua “ranh giới đỏ” của Bắc Kinh, theo The Epoch Times.
- Tin sáng 3/2: Ai sẽ được ưu tiên tiêm vắc Covid-19 từ Anh? Phát hiện vắc xin Covid giả ở TQ
- Ông Biden làm tổng thống Mỹ, con trai Hunter Biden vẫn tiếp tục làm ăn với Trung Quốc
- Khủng hoảng chính trị tại Myanmar và Nga thử thách chính quyền Biden
Trong bài phát biểu tại sự kiện trực tuyến do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung (trụ sở ở New York) tổ chức hôm 1/2, ông Dương Khiết Trì tuyên bố “Hoa Kỳ nên ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương” và mọi việc liên quan đến ba khu vực này là “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc.
Ông Dương nói thêm rằng: “Các khu vực này là ranh giới đỏ không được vượt qua. Bất kỳ hành vi xâm phạm nào cũng sẽ làm suy yếu mối quan hệ chung Trung Quốc – Mỹ và lợi ích riêng của Mỹ”.
Nhà ngoại giao Trung Quốc còn nhắc nhở Mỹ nên “tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc Một Trung Quốc” liên quan đến Đài Loan – quốc đảo tự trị ở Biển Đông mà Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình.
Chính quyền Trump trừng phạt Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các hạn chế thị thực và biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm nhân quyền đối với các tín đồ Pháp Luân Công, người Hong Kong, người thiểu số Hồi giáo, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ.
Vào tháng trước, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xác định cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác là tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người.
Trong khi đó, ĐCSTQ thường bác bỏ các chỉ trích của quốc tế về các chính sách của họ bằng cách tuyên bố rằng các vấn đề, bao gồm các nỗ lực quân sự hóa ở Biển Đông và các thủ đoạn áp bức đối với Đài Loan, là “vấn đề nội bộ”.
Trung Quốc kêu gọi Mỹ dưới thời Biden cùng hợp tác
Trong bài phát biểu hôm 1/2, nhà ngoại giao Dương Khiết Trì kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden “khôi phục” quan hệ Trung Quốc – Mỹ theo “hướng phát triển có thể dự đoán và mang tính xây dựng”.
Ông Dương đưa ra các lĩnh vực mà 2 nước có thể hợp tác, bao gồm kiểm soát ma túy và an ninh mạng, trong khi Trung Quốc lại là nguồn cung cấp fentanyl (một dạng chất gây nghiện) bất hợp pháp và các chất giống fentanyl lớn nhất vào Mỹ, theo báo cáo 2018 của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ – Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời TT Trump cũng đưa ra hàng loạt cáo trạng liên quan đến hành vi trộm cắp bí mật thương mại của Trung Quốc và các tội danh liên quan vào năm 2019, nhiều hơn hẳn so với trong 8 năm của chính quyền Obama.
Ngoài ra, ông Dương cũng chỉ trích “các chính sách sai lầm” của chính quyền Trump đã khiến mối quan hệ song phương Mỹ – Trung rơi vào “giai đoạn khó khăn nhất” kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, mối quan hệ Đài Loan – Mỹ đã tốt hơn đáng kể, thể hiện rõ nhất thông qua việc cựu Ngoại trưởng Pompeo quyết định dỡ bỏ các hạn chế về cách thức các quan chức Hoa Kỳ nên tương tác với những người đồng cấp Đài Loan.
Trước bài phát biểu trên, ông Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao về kinh tế và kinh doanh Trung Quốc – Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ), nhận định rằng: “Điểm mấu chốt: Bắc Kinh chỉ sẵn sàng hợp tác theo các điều kiện của Trung Quốc”.
Còn nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Tang Jingyuan cho rằng chính quyền Trung Quốc đang sử dụng cả chiến thuật mềm và cứng để gây áp lực lên chính quyền Biden, với hy vọng tái khởi động các cuộc đàm phán chính thức với Mỹ.
Bài phát biểu của ông Dương là một ví dụ về cách tiếp cận mềm mỏng, được xem như một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ sẵn sàng nhượng bộ nếu Mỹ hứa không vượt qua “lằn ranh đỏ”, trong khi các cuộc xâm nhập gần đây vào không phận Đài Loan và các biện pháp trừng phạt đối với các cựu quan chức Mỹ là chiến thuật diều hâu.
Ông Tang tin rằng chế độ Trung Quốc muốn “quay trở lại thời kỳ mà nhân quyền và thương mại bị tách rời nhau” trong các cuộc đàm phán, để chế độ này có thể tiếp tục làm ăn với Mỹ, trong khi bỏ qua các vấn đề nhân quyền.