Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​ở Nga đang được coi như một phép thử sớm đối với chính quyền Biden trong nỗ lực lấy lại vị thế của Mỹ với tư cách là một nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ trên toàn thế giới.

Lên nhậm chức với cam kết khôi phục sự ủng hộ của Mỹ đối với nhân quyền, tự do ngôn luận và cởi mở chính trị, Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với hai thách thức nghiêm trọng ở hai quốc gia Myanmar và Nga.

Ông Biden dọa tái áp dụng các biện pháp trừng phạt Myanmar

Theo Newsmax, sau nhiều thập kỷ đầu tư thời gian, sức lực và tiền bạc để thúc đẩy dân chủ ở cả Myanmar và Nga, Mỹ giờ đây phải đối mặt với những thách thức có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực toàn cầu, trong đó tình trạng hỗn loạn ở Myanmar có nguy cơ giúp Trung Quốc củng cố vị thế ở quốc gia này.

Mặc dù tình hình ở Myanmar không liên quan trực tiếp đến sự bất ổn chính trị trong nước ở Mỹ, giới chuyên gia tin rằng các chính phủ nước ngoài có thể đang nắm bắt những dấu hiệu về sự hỗn loạn của Mỹ trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Cựu quan chức ngoại giao của Mỹ ở châu Âu Dan Fried nói với hãng tin AP rằng: “Nó không hẳn vì chúng ta. Mỗi sự việc có động lực riêng, nhưng chắc chắn họ nắm bắt dấu hiệu từ chúng ta. Điều kết nối cả hai sự kiện là trong suốt chiến dịch tranh cử, nhóm của ông Biden nhấn mạnh rằng ủng hộ dân chủ sẽ là ngôi sao phương bắc – một quan điểm chỉ đạo cho nền dân chủ”.

Các trợ lý của ông Biden đã bác bỏ các ý kiến rằng cuộc bạo loạn ngày 6/1 tại Điện Capitol sẽ làm tổn hại ảnh hưởng của Mỹ sau này. Nhưng họ đã thừa nhận đó là yếu tố phải tính đến khi ông Biden cố gắng tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Hôm thứ Hai, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng: “Mỹ vẫn là quốc gia mà thế giới trông chờ … sự lãnh đạo, và sẽ mất một thời gian, nhưng chắc chắn ông [Biden] đã cam kết thực hiện điều đó”.

Trước đó, ông Biden đã tuyên bố sẽ xem xét tái trừng phạt Myanmar. Mỹ đã dỡ bỏ trừng phạt Myanmar sau khi nước này chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang dân sự thời ông Obama đang là tổng thống Mỹ. 

Tại Myanmar, quân đội đã nắm quyền kiểm soát chính phủ sau khi bắt giữ cựu lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi. Tình thế này sẽ tạo lợi thế hơn cho Trung Quốc để mở cửa sang quốc gia láng giềng.

“Đây chắc chắn là một cuộc khủng hoảng sớm đối với chính quyền Biden, và nó thực sự kết tinh sự tương phản giữa sự ủng hộ dân chủ của Mỹ và sự ủng hộ chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc”, ông Danny Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, đánh giá.

Phép thử sớm của Nga với chính quyền Biden 

Ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin đang sử dụng nắm đấm sắt để cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình ủng hộ nhân vật đối lập Alexei Navalny, bất chấp những cảnh báo từ Washington và châu Âu.

Ông Fried hiện đang làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng: “Đây là thách thức đối với chính quyền Biden, dù họ không trực tiếp thách thức ông ấy”. Ông Fried cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể không hiệu quả nhưng chúng sẽ gây chú ý. Ông nói: “Nó sẽ phù hợp, và nó sẽ gửi một thông điệp đến Nga rằng người Mỹ không ngu ngốc, rằng họ biết những gì đang xảy ra.”

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga đang được xem xét, không chỉ đối với cuộc đàn áp Navalny mà còn đối với một cuộc tấn công mạng lớn, can thiệp bầu cử và các khoản tiền thưởng có chủ đích được cung cấp cho Taliban vì nhắm vào quân đội Mỹ ở Afghanistan.