Ảnh vệ tinh tố Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông
Các bức ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đang bí mật xây dựng nhiều cơ sở mới trên bãi Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông của Việt Nam.
Báo Philippine Daily Inquirer đưa tin: Công ty công nghệ Mỹ Simularity hôm 16/2 đã công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang thiết lập các cấu trúc mới trên Đá Vành Khăn từ năm 2020 đến đầu năm 2021. Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc diễn ra khi nhiều nước đang tập trung vào việc chống lại dịch viêm phổi Vũ Hán Covid-19.
Simularity cho biết, có một số thay đổi đáng kể ở 7 vị trí trên bãi Đá Vành Khăn. Ví dụ, bức ảnh chụp một khu vực được đánh dấu là Khu vực 1, cho thấy nó vẫn còn trống vào ngày 7/5/2020. Nhưng đến ngày 4/2/2021, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang “xây dựng một cấu trúc hình trụ kiên cố có đường kính 16 mét”. Simularity cho biết hoạt động xây dựng đã bắt đầu từ tháng 12 năm 2020. Công ty này nhận định khả năng đây là một cấu trúc gắn ăng-ten.
Tại khu vực được đánh dấu là Khu vực 2, đã xuất hiện một mái vòm lớn; và dường như có gắn cấu trúc radar cố định. Trước đó một năm, không hề có cơ sở này.
Tại các khu vực được xác định là Khu vực 4 và 7, một năm trước đây có cấu trúc hình chữ nhật. Nhưng ảnh vệ tinh vào ngày 4/2/2021 cho thấy nó đã bị phá bỏ.
Các khu vực có thể có xây dựng mới được đánh dấu là Khu vực 5 và 6.
Tờ báo Philippines bình luận: “Đại dịch COVID-19, vốn khởi phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, đã không ngăn cản các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2020″.
Theo Inquirer, ông Jay Batongbacal, chuyên gia luật hàng hải của Philippines, cho rằng các cơ sở radar mới dường như đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trong khi đó, có các trang thiết bị xây dựng và doanh trại được di dời. Một số khu vực dường như đang được dọn dẹp để xây dựng các công trình mới.
Đá Vành Khăn là một rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khu vực này đã bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo. Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình phi pháp trên các đảo nhân tạo, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.