Những chuyện khiến bác sĩ bệnh viện hồi sức lớn nhất nước cũng thấy sốc
Có lẽ bất cứ ai xem video ‘Chuyện chưa kể trong Bệnh viện hồi sức lớn nhất’ được đăng trên Tuổi Trẻ chiều 11/8 cũng sẽ cảm thấy lo lắng cho cuộc chiến thật sự khốc liệt này.
- Doanh nhân Mỹ thoát khỏi Covid-19 một cách kỳ diệu
- PGĐ Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP. HCM: “đây là trận chiến lớn nhất cuộc đời làm nghề y của mình và cũng mong nó sẽ là trận chiến cuối cùng”
Sốc vì bệnh nhân tuổi 30 thở không ra hơi
Nhiều ngày qua, tất cả bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. HCM đều hối hả tận dụng từng phút từng giây vì họ biết rằng ở đây ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh.
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại, trưởng khoa 4A đã rất xúc động khi chia sẻ trên video của báo Tuổi Trẻ rằng; Bác sĩ đã sốc khi chứng kiến cảnh những thanh niên chỉ hơn 30 tuổi nằm thở oxy mà nói không ra hơi vì quá mệt; sốc vì bệnh nhân nằm không đủ sức lấy đồ ăn để ăn; sốc vì những bệnh nhân nằm bên cạnh đồ ăn người nhà gửi để trong vali mà không lấy được để mời bệnh nhân bên cạnh.
Rồi hàng ngày chứng kiến bệnh nhân quá nặng đều ra đi… mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức. Đây thực sự là những chuyện chưa bao giờ được kể chính thức trong trận chiến khốc liệt này.
Giành từng hơi thở cho bệnh nhân ở lằn ranh sinh tử
Ở một bài viết khác cũng về Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP. HCM, báo Tiền Phong đã cho thấy sự căng thẳng, vất vả của những người như bác sĩ Trần Thanh Linh, bác sĩ Huỳnh Quang Đại để níu kéo sự sống cho các bệnh nhân Covid-19.
“Thật sự chúng tôi phải gồng hết sức, cố gắng gồng gánh công việc cho nhau. Có khi bác sĩ làm cả việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm việc của hộ lý. Chỉ cần nghe tiếng báo động ở bất kỳ khu vực nào, anh em lại tức tốc chạy lên hỗ trợ, không phân biệt khu vực do bệnh viện nào quản lý. Mọi người gắn kết với nhau thành một khối như vậy để gồng gánh cho nhau”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Sau 20 ngày làm việc không biết mệt mỏi, bác sĩ Linh và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 gần như không có thời gian nghỉ. Hết đặt ECMO đến lọc máu cho bệnh nhân nặng, nguy kịch đến hội chẩn trực tuyến với các Bệnh viện Dã chiến, Bệnh viện tuyến quận huyện nhằm ngăn nguy cơ trở nặng của bệnh nhân.
Gồng hết sức cứu người, các y bác sĩ, nhân viên y tế ở đây dường như không còn khái niệm thời gian. Ngay cả đến việc đọc tin nhắn, với nhiều người đã là việc khó thực hiện.
“Trực đêm đến 2 giờ sáng, thay đồ tắm rửa mất gần một tiếng nữa, về đến chỗ nghỉ thì mặt trời sắp ló dạng rồi. Thế nhưng, mỗi buổi sáng, anh em lại cố gắng vào để tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân và cố gắng lao vào chăm sóc cho bệnh nhân. Ở đây, chúng tôi không có khái niệm hôm nay là cuối tuần hay bất cứ ngày gì nữa. Đôi khi, ngay cả những tin nhắn hay những lời động viên của người thân gia đình mình cũng không có thời gian để đọc”, bác sĩ Linh nghẹn lời.
Với những người như bác sĩ Linh, bác sĩ Đại, các anh ý thức rõ mình đang là chốt chặn ngăn bệnh nhân bước qua phía bên kia cửa tử. Vì vậy, dẫu có căng thẳng và mệt mỏi, mọi người đều gắng sức làm cho tốt nhất.
“Anh em đều nỗ lực làm việc từ sáng đến 11 – 12 giờ đêm thậm chí 1 – 2 giờ sáng. Có những đêm thấy bệnh nhân xếp hàng chờ mà chưa có chỗ nhập viện, anh em lại bắt đầu chạy giải phóng giường để nhận bệnh. Vì các Bệnh viện dã chiến, bệnh viện cơ sở họ không có điều kiện, mình không nhận thì bệnh nhân biết đi đâu”, bác sĩ Huỳnh Quang Đại chia sẻ với Tiền Phong.