Ấn Độ mất 300km2 lãnh thổ vào tay Trung Quốc sau mùa hè đẫm máu trên dãy Himalaya
Kết quả của một trong những cuộc đối đầu tồi tệ nhất hàng thập kỷ giờ đã rõ: Trung Quốc tiến sâu hơn vào vùng lãnh thổ từng do Ấn Độ hoàn toàn kiểm soát.
- Mỹ-Ấn: Thế gọng kìm bóp nghẹt yết hầu dầu mỏ của Trung Quốc
- Bất chấp Trung Quốc đe dọa, truyền thông Ấn Độ tiếp tục ủng hộ Đài Loan
Bloomberg đưa tin căng thẳng biên giới Trung-Ấn suốt mùa hè vừa qua chứng kiến việc Ấn Độ mất quyền kiểm soát đối với 300km2 lãnh thổ. Binh lính Trung Quốc hiện ngăn cản các cuộc tuần tra của Ấn Độ khỏi khu vực có diện tích gấp 5 lần quận Manhattan ở thành phố New York, Mỹ.
Sáu tháng qua đã vạch ra các chiến tuyến mới ở khu vực tranh chấp trên độ cao đóng băng, gây gia tăng căng thẳng lên đỉnh điểm kể từ khi Ấn Độ và Trung Quốc gây chiến ở khu vực này sáu thập kỷ trước. Quân đội hai nước hiện đang căng mình chống chọi với mùa đông lạnh giá trên dãy Himalaya ở những địa hình hầu hết không có người ở để kiểm soát các vị trí chiếm đóng.
Căng thẳng Trung-Ấn leo thang từ hơn một năm trước, vài tuần sau khi New Delhi tước quyền tự trị của khu vực Jammu và Kashmir. Tháng 9/2019, binh sĩ hai nước xảy ra ẩu đả ở vùng ven hồ Pangong Tso. Sau mùa đông, binh sĩ Ấn Độ quay lại khu vực này vào tháng 5 năm nay, họ hết sức bất ngờ khi lính Trung Quốc đã xây dựng căn cứ kiên cố, đồng thời chiếm cao điểm trên núi. Hàng ngàn binh sĩ Trung Quốc đã ngăn cản lính tuần tra Ấn Độ tiếp cận khu vực.
Đó là lúc Ấn Độ nhận ra họ đã để mất quyền kiểm soát 250km2 lãnh thổ ở thung lũng Depsang và 50km2 ở khu vực hồ Pangong Tso, một quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin đăng tải trên tờ Bloomberg.
Trong suốt mùa hè năm nay, Ấn Độ đã nhiều lần tìm cách vượt ranh giới mà binh sĩ Trung Quốc lập ra, dẫn đến hàng loạt các cuộc xung đột, đặc biệt là ở hồ Pangong Tso.
Mùa đông năm nay, New Delhi và Bắc Kinh đều duy trì lực lượng quân đội thường trực tại biên giới tranh chấp, theo dõi động thái của nhau, thay vì chủ động rút quân như mọi năm.
“Chúng tôi chưa từng thấy hoạt động triển khai binh sĩ nào lớn đến vậy kể từ cuộc chiến biên giới năm 1962”, Trung tướng D. S. Hooda, cựu tư lệnh lục quân Ấn Độ, người từng phụ trách khu vực dọc biên giới Trung-Ấn, nói với Bloomberg. “Cả hai quốc gia đang tỏ ra cứng rắn. Tình trạng căng thẳng như hiện nay sẽ còn kéo dài”.