Bất kể trời nắng hay mưa, khi các em tan trường, bà Hai Trị lại cầm tấm bảng đứng giữa dòng xe cộ đông đúc để xin đường cho các em học sinh về nhà an toàn.

Thấy học sinh qua đường chật vật, có khi bị té xe ở ngã ba Hưng Nhơn (huyện Bình Chánh, TP. HCM), bà Hai Trị ngày 2 lần ra đường cầm bảng xin đường giúp các em học sinh sang đường một cách an toàn, theo VTCNews.

Hơn 7 tháng qua, người dân nơi đây quen thuộc với hình ảnh của bà Nguyễn Thị Bạch Phượng (62 tuổi, ngụ tại ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) hàng ngày cầm tấm bảng ghi dòng chữ “Tạm dừng xe cho học sinh qua đường” ra đứng giữa dòng xe cộ đông đúc. Chồng bà Phượng tên Lý Quốc Trị, nên bà con lối xóm gọi bà với tên thân mật là bà “Hai Trị”.

“Con cảm ơn bà ạ”, “Ngoại ơi cảm ơn ngoại heng”… đáp lại ríu rít lời cảm ơn của học trò và cha mẹ các em, bà Hai Trị chỉ gật gật đầu, mắt còn đang nhìn phía nào nhiều xe để xoay tấm biển. 30 phút sau, khi các trò đã về hết, bà mới rảo bước về nhà, tháo nón, lau mồ hôi.

Thanh Niên dẫn lời bài Hai Trị kể, một hôm bà đang bán hàng thì thấy mấy đứa nhỏ loay hoay ở bên kia không làm sao qua đường được. Đây là ngã ba, một bên xe từ cầu xuống, bên kia là từ quốc lộ chạy lên, không có biển báo giảm tốc hay đèn xanh đèn đỏ gì nên rất nguy hiểm. Bà với sang gọi, “các con đứng yên đấy, để bà chạy qua dắt các con”.

Khoảng 3 hôm sau, tới hôm thứ 4 mấy đứa nhỏ gọi: “Bà ơi, bà dắt con qua đường với. Tôi chạy qua thì các con hỏi, bà ơi sao mấy hôm nay bà không dắt chúng con qua đường nữa? Ở đây xe đông, con sợ lắm”, bà kể lại.

Từ hôm đó, cứ 10 giờ 50 và 16 giờ 45, đúng giờ các con tan học, bà ra đứng ở ngã ba này vẫy tay báo hiệu các xe khác đi chậm lại, “nhường đường cho các con”.

Nói về tấm biển dễ thương in dòng chữ “Tạm dừng xe cho học sinh qua đường”, bà Hai Trị cho hay, ban đầu bà chỉ viết chữ trên bìa carton, nhờ cô Vân tiệm rửa xe bên cạnh tô đậm thêm. Mấy hôm sau, có một anh thanh niên chạy tới đưa cho bà tấm biển đẹp này, nói “con tặng cô” và không lấy tiền.

Ban đầu mới đứng cầm biển bà cũng sợ vì đường nhiều xe tải chạy qua lại. Có một số tài xế đã không tạm dừng còn hạ kính và quát bà “sao không đứng sát vô lề”. Cũng có người nói bà “dỗi hơi” ‘lo chuyện bao đồng”. Tuy nhiên cũng không ít người thấy được ý nghĩa, tính nhân văn trong công việc ấy. Họ trân trọng, cảm ơn bà.

Dần dần quen với bà lão cầm tấm biển đứng tại khu vực đó, người qua đường mỗi buổi trưa và chiều đều điều khiển xe đi chậm lại.

Động lực nào giúp bà đều đặn mỗi trưa đứng nửa tiếng giữa cái nắng như đổ lửa của Sài Gòn giúp học sinh qua đường? Bà Hai Trị nói, thấy trẻ con ra về an toàn, miệng nói cảm ơn bà, mệt tới đâu bà cũng thấy mình khỏe lại.

Trong xóm có nhiều cháu phải ở trọ, bà thương các em nghèo. Bố mẹ các em đã vất vả đi kiếm tiền rồi, trưa chiều lại mất công ra đón con. “Tôi bảo với nhiều cô chú bây giờ cứ để tôi đưa chúng qua đường cho, yên tâm mà đi làm”, bà kể.

Bà Hai Trị hiền hậu nói: “Nhiều người làm được việc tốt hơn tôi nhiều, người ta có tiền giúp tiền, tôi không có tiền tôi giúp sức. Vui nhất là tôi giúp được điều mà các cháu HS cần”.

Nhận thấy việc làm ý nghĩa, người dân địa phương, phụ huynh học sinh mỗi khi thấy bà đội nắng, chen giữa hai làn xe lại nói lời cám ơn, chúc bà sức khỏe. Các phụ huynh cho biết, những ngày đông xe, họ phải nhờ vào sự điều tiết giao thông và tấm biển của bà để sang đường đón con.

“Giao thông đoạn này khá phức tạp. Giờ tan trường, học sinh, phụ huynh của 2 trường tiểu học và trung học sơ sở xã Tân Kiên đổ ra rất đông. Trong khi đó, đoạn đường này lại chưa có biển báo, đèn tính hiệu giao thông nên rất nguy hiểm.

Chúng tôi đều nhờ tấm biển và bà Hai Trị điều tiết để đón con, qua đường.  Rất mong cơ quan chức năng nghiên cứu và bố trí đèn tín hiệu giao thông tại đây để việc lưu thông được an toàn, dễ dàng hơn”, một phụ huynh kiến nghị.

Chị Vân hàng xóm bà Hai Trị cho hay, mấy hôm nay có thêm bảo vệ trong Tổ dân phố đến hỗ trợ bà Hai Trị điều tiết giao thông và hướng dẫn học sinh qua đường.