Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với Nga và Iran, cũng như các nước trong khu vực có phụ thuộc kinh tế, đồng thời sử dụng các lệnh trừng phạt và cảnh báo nhằm tìm cách làm rạn nứt các liên minh mà Mỹ đang xây dựng để chống lại nước này.

Theo hãng tin Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên kết với các nền dân chủ khác để cứng rắn và quyết đoán hơn với Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền và an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.

Trước động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng: “Trung Quốc cương quyết phản đối phía Mỹ tham gia vào khối chính trị cùng tư tưởng và hình thành nhóm chống Bắc Kinh. Chúng tôi hy vọng những quốc gia liên quan sẽ thấy rõ lợi ích của riêng họ và không trở thành công cụ chống Trung Quốc của Mỹ”.

Sau cuộc đàm phán sóng gió tại bang Alaska vào tháng trước giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh có xu hướng thân thiết hơn với những quốc gia như Nga, Iran và Triều Tiên, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ngoại giao liên minh

Ông Li Mingjiang, Phó giáo sư Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định: “Trung Quốc rất lo lắng về chính sách ngoại giao liên minh của Mỹ”. Ông Mingjiang cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy quan hệ với những chính phủ cũng đang chịu sức ép từ phương Tây.

Vài ngày sau cuộc họp ở Alaska, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, người đã kêu gọi Moscow và Bắc Kinh chống lại chương trình nghị sự ý thức hệ của phương Tây.

Một tuần sau, ông Vương bay đến Iran và ký kết hiệp ước kinh tế 25 năm.  Giáo sư Shi Yinhong tại Đại học Renmin cho biết thỏa thuận này “phơi bày mọi công ty Trung Quốc đang chịu các lệnh trừng phạt trực tiếp hoặc gián tiếp từ Mỹ.”

Ngoại trưởng Vương Nghị còn gặp gỡ những người đồng cấp Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Hàn Quốc tại tỉnh Phúc Kiến trong những tuần gần đây. Ông Li Mingjiang cho biết Bắc Kinh cam kết hỗ trợ những quốc gia này phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. 

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng trao đổi thông điệp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, kêu gọi quan hệ đối tác sâu rộng hơn.

Đồng minh đồng lòng với Mỹ

Chính quyền Biden đã tiếp tục gây áp lực cho Bắc Kinh về những vấn đề tương tự như chính quyền Trump đã làm, nhưng ưu tiên chiến lược xây dựng liên minh chống Trung Quốc.

Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 16/4, hai nước tuyên bố hình thành một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc, về các vấn đề Biển Hoa Đông, Hồng Kông và Tân Cương.

Vào tháng ba, Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Trung QUốc với cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương, trong bối cảnh hơn mười quốc gia cùng cáo buộc Trung Quốc giấu thông tin cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Gần đầy, Đức, Anh, Hà Lan, Canada và Pháp đã tham gia với Hoa Kỳ điều tàu chiến qua Biển Đông.

Washington cũng cho biết họ muốn có “cách tiếp cận phối hợp” với các đồng minh về việc tham gia Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, trong bối cảnh lo ngại về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Trung Quốc tính kế phá vỡ liên minh của Mỹ

Trung Quốc đã đáp trả một cách giận dữ trước việc Mỹ thể hiện sự đoàn kết với các đồng minh. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng gọi Nhật Bản là “chư hầu” và Thủ tướng Canada Justin Trudeau là “chó săn” của Hoa Kỳ.

Theo các chuyên gia, hiện nay Bắc Kinh áp dụng chiến thuật làm suy yếu liên minh của Mỹ thông qua việc khuyến khích các nước liên kết độc lập với Trung Quốc, đặc biệt là vì lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng cảnh cáo trừng phạt những quốc gia này nếu họ tham gia các hành động chung đối đầu với Bắc Kinh.

Bắc Kinh đã đáp trả các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào các quan chức Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương bằng các biện pháp khắc nghiệt, thậm chí sẵn sàng hủy bỏ một thỏa thuận đầu tư đã được chờ đợi từ lâu.

Janka Oertel, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, tin rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế cho các lợi ích cốt lõi nếu họ bị đe dọa bởi liên minh Mỹ – EU.

Tuy nhiên Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke cho rằng, Bắc Kinh vẫn cần công nghệ và sự đầu tư từ châu Âu.

Trung Quốc đồng thời không từ bỏ việc thuyết phục Washington rằng hợp tác tốt hơn cạnh tranh. Vào tuần trước, nước này đã cam kết với đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry rằng sẽ ủng hộ hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến của Tổng thống Biden.