Biến chủng Delta đang ‘tự hủy’ kỳ lạ ở Nhật Bản và Châu Phi
Trong lúc làn sóng dịch Covid-19 mới bao trùm ở nhiều nước thì Nhật Bản và Châu Phi đang diễn ra hiện tượng bất thường khi biến thể Delta dường như đang chuyển sang chế độ “tự hủy” kỳ lạ.
Covid-19 có vẻ đang “biến mất bí ẩn” ở Nhật Bản và châu Phi. Nhiều giả thuyết đã được các chuyên gia đưa ra, tuy nhiên chưa có câu trả lời nào thực sự đầy đủ.
Diễn biến bất thường
Thống kê cho thấy vào cuối tháng 8, số ca mắc tại Nhật Bản tăng vọt và đạt đỉnh gần 26.000 ca mới/ngày. Nhưng sau 3 tháng, con số này giảm mạnh khiến giới khoa học ngạc nhiên. Nước này chỉ ghi nhận 104 ca mắc mới trong vòng 24 giờ vào ngày 20/11. Thậm chí, ngày 7/11, Nhật Bản không ghi nhận ca tử vong nào vì Covid-19, lần đầu tiên trong vòng 15 tháng.
Nhật Bản trở thành nước hiếm hoi có số ca nhiễm COVID-19 không tăng dù các nhà hàng và phương tiện giao thông công cộng đã mở cửa và đông đúc trở lại. Trong khi đó, các nước đang áp dụng chính sách mở cửa tương tự với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu lại đang hứng chịu làn sóng dịch mới, số ca mắc mới trong ngày liên tục phá kỷ lục.
Tại Châu Phi, khu vực được đánh giá là có điều kiện y tế kém và thiếu vaccine, không biết từ lúc nào virus cũng trở thành chuyện quá khứ trong tiềm ý thức của người dân. Dữ liệu của WHO cho thấy số ca mắc Covid-19 ở châu lục này đã giảm đáng kể từ hồi tháng 7/2021. Ở Zimbabwe, tuần từ 15/11, nước này chỉ ghi nhận 33 ca mắc mới và không có trường hợp tử vong.
Các chuyên gia “không thể hiểu nổi”
Nhiều học giả đã cố gắng đưa ra các giả thuyết nhằm giải thích hiện tượng Covid-19 tạm thời biến mất tại Nhật Bản, trong đó khả năng thứ nhất chính là tỷ lệ tiêm vắc xin cao của nước này.
Tính đến 18/11, Nhật Bản đã tiêm chủng đủ 2 mũi cho 75% dân số. Tuy nhiên, trong bộ phận dân số còn lại, vẫn đủ không gian để virus lây lan, theo chuyên gia Mike Toole thuộc Viện nghiên cứu y tế Burnet Institute.
Ngoài ra, Châu Phi chỉ có tỷ lệ tiêm chủng chưa đến 6% nhưng trong nhiều tháng qua, nơi này đã được WHO mô tả là “khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới” do Covid-19. Trong khi các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao vẫn đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh càn quét.
Một nguyên nhân chính khác được báo cáo mới chỉ ra là virus SARS-CoV-2 có thể đã biến đổi gen trong quá trình tự nhân bản.
Báo The Japan Times dẫn giả thuyết của ông Ituro Inoue, Giáo sư Viện Di truyền quốc gia (Nhật Bản), cho thấy biến thể Delta ở quốc gia này đã tích lũy quá nhiều đột biến trên protein có chức năng sửa lỗi di truyền mang tên nsp14. Kết quả là theo thời gian, vi rút mất dần khả năng sửa lỗi, cuối cùng dẫn đến tình trạng “tự hủy diệt”.
“Chúng tôi thực sự bị sốc khi phát hiện ra điều này”, giáo sư Inoue nói và cho biết thêm “Nếu virus còn hoạt động tốt, số ca mắc chắc chắn sẽ tăng vì tiêm chủng không thể ngăn ngừa lây nhiễm đột phá trong một số trường hợp”.
Câu hỏi đặt ra là liệu Covid-19 có khả năng tuyệt chủng tự nhiên ở các nước khác không?
“Không phải là không có khả năng, nhưng mong đợi điều đó lúc này là hơi sớm. Chúng tôi chưa có bằng chứng khoa học, dù đã xem xét dữ liệu ở các quốc gia khác nhau”, ông Inoue cho biết.
Ông cho rằng Delta đã vô tình đẩy lùi các biến thể khác ở Nhật Bản, song không thể ngăn chặn hoàn toàn những biến thể mới. Chỉ riêng vaccine là không đủ sức giải quyết vấn đề đại dịch.