Biển Đông: ASEAN nên đoàn kết, ngăn Mỹ-Trung thúc đẩy chương trình nghị sự đơn phương
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên đoàn kết để cùng nhau ngăn chặn Hoa Kỳ và Trung Quốc thực hiện chương trình nghị sự đơn phương của họ ở Biển Đông, theo cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines Rafael “Raffy” Alunan III.
Ông Alunan đưa ra tuyên bố này trong cuộc phỏng vấn bàn tròn với The Manila Times hôm 6/12.
Ông Alunan cho rằng vấn đề Biển Đông chủ yếu là liên quan đến “cuộc cạnh tranh quyền lực lớn” giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông nói: “Trung Quốc muốn thống trị Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Mỹ sẽ không bỏ qua điều đó mà không gây chiến. Vấn đề là cả hai đều rất cứng nhắc về lợi ích cốt lõi của mình”.
Ông Alunan cho biết Trung Quốc muốn trở thành cường quốc chính trong khu vực và muốn đánh bật Mỹ. “Và vì vậy họ đang áp dụng mọi loại chiến thuật để có thể chiếm ưu thế.”
Ông nói rằng Trung Quốc đang sử dụng BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường) “để thống trị kinh tế” trong khu vực. Đồng thời, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng khả năng quân sự của mình tại các khu vực chiến lược ở Biển Đông.
Ông Alunan nói: “Mặt khác, lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ là đảm bảo cho các vùng biển rộng mở, vì Biển Đông có vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, với lượng hàng hóa trị giá 3 nghìn tỷ USD trở lên đi qua Biển Đông mỗi năm.”
Ông lưu ý rằng rất nhiều hàng hóa và dịch vụ đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á. “Nếu vùng biển này bị kiểm soát và xung đột phát sinh, nó sẽ tác động đến thương mại toàn cầu, kinh tế toàn cầu. Hãy cầu trời giúp chúng ta nếu điều đó xảy ra, vì kinh tế toàn cầu vốn đã bị suy yếu vì đại dịch (Covid-19).”
“Nhưng những quốc gia như chúng ta bị mắc kẹt ở giữa hai cường quốc này … chúng ta có thể bị thiệt hại trong bất kỳ thỏa thuận nào mà họ có thể đạt được”, ông Alunan tiếp tục.
“Và do đó, ASEAN phải thực sự bước lên, đoàn kết và trở thành điểm tựa”, ông Alunan nói. “ASEAN nên giữ lấy vai trò đó, vì Biển Đông được bao bọc bởi các quốc gia ASEAN”.
“Nếu các nước (ASEAN) kết hợp với nhau, sẽ rất khó để Mỹ và Trung Quốc thực hiện chương trình nghị sự đơn phương của họ ở Biển Đông.”
“Có vẻ như Trung Quốc sẽ thực hiện việc chiếm đóng, phát triển và vận hành từng bước các bãi cạn và bãi đá thành các đảo, để họ có thể xúc tiến các hoạt động an ninh của riêng mình, đồng thời ngăn cản các nước khác tiếp cận Biển Đông”, theo nhận định của sĩ quan quân đội Philippines đã nghỉ hưu Alejandro Flores trong cuộc phỏng vấn bàn tròn.
“Nhưng không đơn giản như vậy, Biển Đông là một tuyến đường thủy chủ yếu của các tuyến thương mại, của hoạt động hàng hải và thương mại toàn cầu. Hầu như, tất cả các nước lớn đều có lợi ích trực tiếp và gián tiếp nếu Trung Quốc có ý đồ kiểm soát tự do hàng hải ở đây”, ông Flores nói thêm.