Hôm 16/5/2021, tạp chí National Interest đã đăng lại một bài báo đáng chú ý về điểm yếu của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

Bài báo chỉ ra ra rằng các đảo nhân tạo có nguy cơ bị nhấn chìm xuống nước biển do trình độ thi công kém cỏi cộng với mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Trung Quốc tàn phá môi trường để xây đảo nhân tạo

“Kể từ năm 2013, chính quyền Trung Quốc liên tục nạo vét, phá hủy hầu hết các rạn san hô mỏng manh bên trong các vùng biển tranh chấp. Mục đích của họ là xây dựng 7 căn cứ quân sự hoàn chỉnh với các cảng, đường băng, hệ thống radar và tên lửa”, bài báo viết.

Các công trình quan trọng nhất nằm trên các rạn san hô Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Từ năm 2013 – 2016, các tàu xây dựng Trung Quốc đã nghiền nát các rạn đá trong khu vực để tạo nên nguyên liệu để xây đảo nhân tạo. Bắc Kinh tuyên bố họ đã khôi phục các rạn san hô mà họ đã phá hủy. Nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy tuyên bố đã trở thành hiện thực. Nhà sinh vật biển John McManus thuộc Đại học Miami (Mỹ) cho biết hoạt động nạo vét về cơ bản đã “giết chết mọi thứ” xung quanh các rạn san hô.

Tham vọng kiểm soát Biển Đông từ các đảo nhân tạo

Bài báo của National Interest chỉ ra ý đồ của Bắc Kinh trong việc xây dựng các đảo nhân tạo. Bài báo viết: “Các đảo nhân tạo đóng vai trò như tàu sân bay không thể chìm; giúp củng cố yêu sách của Bắc Kinh tại các vùng biển mà những nước láng giềng cũng có tuyên bố chủ quyền”.

The Economist cho rằng việc thiết lập căn cứ trên các đảo nhân tạo “cho phép Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông trong bất kể tình huống nào; mà không xảy ra chiến tranh toàn diện với Mỹ”.

Đồng thời nó cũng giúp Trung Quốc thuận tiện trong việc tìm kiếm dầu khí trong vùng biển tranh chấp. Năm 2014, Bắc Kinh đã triển khai một giàn khoan dầu vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; dẫn đến căng thẳng giữa hai nước, theo National Interest.

Lòng tham sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá

Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng tham vọng của Bắc Kinh có thể sẽ phải trả giá đắt khi các đảo nhân tạo không hoạt động như ý.

“Không phải mọi thứ đều diễn ra theo cách mà Trung Quốc muốn”, The Economist bình luận. “Các nguồn tin cho biết bê tông của các hòn đảo mới đang vỡ vụn; nền móng của chúng biến thành bọt biển trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đó là còn chưa tính đến ảnh hưởng trực tiếp từ các trận siêu bão”.

National Interest cho rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông dễ thành mục tiêu tấn công của quân đội Mỹ, trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa hai nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Bất chấp những dự đoán về tương lai không mấy khả quan của các đảo nhân tạo; Trung Quốc vẫn không ngừng đổ tiền xây dựng các cơ sở hạ tầng mong manh đó.

Vào tháng 11 năm 2019, Trung Quốc lắp đặt một khinh khí cầu giám sát trên Đá Vành Khăn. Thiết bị này giúp giám sát các hoạt động xung quanh bãi Đá Vành Khăn; cũng như phát hiện các tên lửa đất đối không để chống lại những mối đe dọa tiềm tàng.