Thay cho những tuyên bố mạnh mẽ, công khai về căng thẳng ở Biển Đông, Malaysia có khả năng sẽ duy trì “chính sách ngoại giao im lặng” để đối phó với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Kuala Lumpur cho thấy xu hướng cảnh giác với các biện pháp trừng phạt nhằm vào những quốc gia công khai thách thức nước này.

SCMP đưa tin các học giả hàng đầu Malaysia ngày 8/10 đã chia sẻ quan điểm trên trong buổi hội thảo liên quan đến lập trường của Kuala Lumpur về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Shahriman Lockman tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia đưa ra bình luận “Tất cả các nhà lãnh đạo đều phải đối mặt với thực tế là Trung Quốc có thể rất hào phóng nhưng cũng có thể trừng phạt mạnh tay các mối quan hệ kinh tế”.

Các học giả tham gia hội thảo nhận định việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, cũng như khả năng cung cấp vắc-xin COVID-19, khiến Bắc Kinh trở thành chìa khóa quan trọng về mặt lợi ích đối với nước này.

Malaysia “nhẫn nhịn”

Trong tháng 4 và tháng 5/2020, tàu tuần duyên Trung Quốc đã liên tục đe dọa và áp sát tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia, đồng thời tiến hành khảo sát ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.

Trong lúc Bộ ngoại giao Mỹ lên án hành động quấy rối của Trung Quốc và đưa tàu chiến của Mỹ và Úc diễn tập tại khu vực gần tàu West Capella, thì Malaysia lại bày tỏ quan ngại về tàu chiến của các nước này trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi Mỹ và Trung Quốc giải quyết hòa bình.

Malaysia cuối cùng cũng đạt được giải pháp hòa bình là kết thúc cuộc đối đầu trên mà “không có tàu nào đâm vào nhau”. Điều này khiến nhà nghiên cứu Shahriman đánh giá cách tiếp cận “ngoại giao im lặng” là có hiệu quả, bế tắc đã được giải quyết bằng “một thỏa thuận giúp giảm leo thang căng thẳng giữa Malaysia và Trung Quốc”.

Trước đó, tháng 12/2019, Malaysia đã khiến Bắc Kinh khó chịu khi gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) để phản đối yêu sách “Đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động này đã châm ngòi cho một cuộc chiến công hàm khi các nước khác liên tiếp đệ trình công hàm lên LHQ phản đối yêu sách này, trong đó mới nhất là công hàm chung của Anh, Pháp, Đức hồi tháng 9.

Kuala Lumpur duy trì chiến lược “ngoại giao im lặng”

Nhà nghiên cứu Shahriman cho biết các quan chức Malaysia sẽ ưu tiên tiếp tục “ngoại giao im lặng” trong giải quyết các tranh chấp trên biển. Ông nói thêm một số người trong chính phủ Malaysia tin rằng sự hiện diện của Mỹ và Úc “thực sự khiến mọi thứ tồi tệ hơn khi việc này làm leo thang tình hình và khiến chúng tôi phải đối phó với nhiều tàu hơn”.

Ông cũng có quan điểm rằng Malaysia và các bên tranh chấp khác nên tránh tạo cớ cho Trung Quốc leo thang vấn đề ở vùng biển tranh chấp.

Nhà nghiên cứu luật quốc tế BA Hamzah và phó giáo sư chính trị tại Đại học Malaysia Sabah, Lai Yew Meng, cũng dự báo về việc duy trì chính sách ngoại giao im lặng của Malaysia.

Ông Lai cho rằng Malaysia phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí trên biển, nên việc giữ cho khu vực này “một vùng biển hợp tác hơn là một vùng biển xung đột” là rất quan trọng.