Theo Zing, Chính phủ vừa có tờ trình dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo. Theo đó, 3 bộ là Bộ Công an, Bộ GTVT và Bộ Tư pháp đã thống nhất lĩnh vực sát hạch, cấp giấy phép lái xe vốn thuộc phạm vi quy định của Luật Giao thông đường bộ (thuộc Bộ GTVT) sẽ được chuyển sang phạm vi quy định của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (đang được Bộ Công an soạn thảo).

Quan điểm của Chính phủ là đồng ý để Bộ Công an soạn thảo quy định về sát hạch và cấp giấy phép lái xe nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Quyết định này có tác động ra sao? Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT biên soạn hiện vẫn có quy định về thời hạn bằng lái (khoản 9 điều 97) và nội dung sát hạch lái xe (điều 100). Tuy nhiên, khi Chính phủ đã trao thẩm quyền sát hạch cho Bộ Công an, thì dự thảo của Bộ GTVT sẽ sớm được sửa theo hướng cắt hết quy định về bằng lái.

Vẫn theo Zing, việc Chính phủ chấp thuận đề xuất giao Bộ Công an chủ trì sát hạch đào tạo tài xế nhận được nhiều ý kiến của người dân. Các ý kiến cho rằng nhiều năm qua Bộ GTVT đã đảm trách lĩnh vực này và cơ bản đáp ứng yêu cầu xã hội.

Bộ Công an được Chính phủ trao thẩm quyền sát hạch, cấp bằng lái xe
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên Zing.

Trong cuộc họp tối 4/9 tại Văn phòng Chính phủ, Chánh văn phòng, đại diện Bộ Công an – tướng Tô Ân Xô đã lên tiếng về việc đổi cơ quan quản lý sát hạch bằng lái. Ông Xô nói: “Không đơn vị này làm thì đơn vị khác làm, Thủ tướng cũng nói không phải quyền anh hay quyền tôi. Phân công theo chức năng nhiệm vụ, Bộ GTVT hay Bộ Công an làm cũng là tạo thuận lợi cho công việc, cho quản lý, vì quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp nên không cần câu nệ ai làm”.

Theo báo Pháp luật TP. HCM, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói đồng tình với ý kiến của tướng Xô. Theo ông Dũng, đây là việc liên quan đến công tác quản lý trong thực tiễn. Tai nạn giao thông mỗi năm xảy nhiều vụ, số người chết, bị thương có giảm nhưng vi phạm còn lớn. Vì vậy, các cơ quan chức năng đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật An ninh trật tự giao thông đường bộ và Luật Giao thông sửa đổi.

“Những gì liên quan an toàn trật tự giao thông trên đường bộ thuộc Bộ Công an; những gì liên quan đến kết cấu hạ tầng, dự án giao thông thuộc Bộ GTVT”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.