Bộ GTVT đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày gây ý kiến trái chiều
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, đưa vào quy định xe máy tham gia giao thông phải bật đèn suốt cả ngày.
- Tai nạn giao thông nguy kịch ở Quãng Ngãi, không gọi được 115
- Đường sụt lún ở Cà Mau kéo theo 5 người và 3 xe máy
Theo PLO, khoản 3 Điều 27 của dự luật giao thông quy định, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất, hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Bộ GTVT cho biết các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Theo đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ôtô dễ nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong xe không phát hiện được, từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông.
Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100/2019 quy định, người điều khiển xe ôtô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện; máy kéo, xe máy chuyên dùng…) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Người vi phạm quy định sẽ bị phạt từ 100.000-200.000 đồng.
Quy định gây ý kiến trái chiều
Trước đề xuất trên của Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Nhưng quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.
Theo ông Quyền, Việt Nam là một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao. Nếu bật đèn gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều. Bên cạnh đó sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.
Ông Quyền cho rằng việc bật đèn xe máy vào ban ngày ở Việt Nam là không cần thiết. Đặc biệt, việc bật đèn không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn tác dụng ngược, như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 60 triệu xe máy, mỗi ngày có khoảng 20 triệu xe hoạt động sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu rất lớn. Một chuyên gia giao thông cho rằng, nếu bật đèn xe máy cả ngày sẽ xảy ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên đường phố, tăng phát thải khí nhà kính góp phần làm khí hậu nóng lên.
Tuy nhiên, chuyên gia về ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng lại cho rằng Việt Nam cần áp dụng sớm việc bắt buộc bật đèn xe cả ngày vì châu Âu đã sử dụng từ 20 năm nay. Xe ban ngày mà vẫn bật đèn làm giảm được tai nạn trực diện khoảng 20%, vì ánh sáng của đèn có thể làm cho tài xế nhận diện từ xa.
Theo ông Đồng, trên thực tế xe gắn máy hay thậm chí cả xe ôtô tỉ lệ tiêu hao nhiên liệu do bật đèn quá thấp, không đo lường được. Các nhà sản xuất ôtô, xe máy hiện đại đều sử dụng loại bóng đèn tốt, không tiêu hao nhiên liệu và không ảnh hưởng tới sự vận hành của động cơ xe. Đối với các loại xe cũ, Nhà nước có thể khuyến khích chủ xe lắp thêm đèn phát sáng để đảm bảo an toàn.