Nếu đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường (TN-MT) Trần Hồng Hà được thông qua, thì rác thải sinh hoạt sẽ được thu phí theo không lượng, tức là thải ra nhiều thì phải chịu nhiều tiền hơn.

Theo dự luật, có quan niệm chất thải rắn sinh hoạt không phải là bỏ đi mà là một dạng tài nguyên. Đây là quan niệm mới, xuất phát từ kết quả nghiên cứu cho thấy 40% rác thải sinh hoạt là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế.

Đáng chú ý, dự thảo luật xác định không thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân theo bình quân mấy nghìn đồng một hộ nữa mà thu theo khối lượng, theo kilogam. Người dân càng thải ra nhiều thì càng nộp phí nhiều hơn.

Dự thảo quy định tính phí rác sinh hoạt theo kilogam – ảnh: TN&MT.

Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định, các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định sẽ được miễn nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Cụ thể, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái chế được thực hiện như sau:

– Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị: Lưu chứa trong các bao bì, thiết bị chứa bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; có thể được chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức tái chế, tái sử dụng hoặc đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của địa phương.

– Đối với hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn: Chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng hoặc đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của địa phương.

Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải và phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.