Các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành mục tiêu tấn công trong khi tình trạng bất ổn dân sự tiếp tục diễn ra ở Nam Phi.

Theo The Epoch Times, một nhà quan sát Trung Quốc tin rằng thái độ “ghét Trung Quốc” của người Nam Phi có thể bắt nguồn từ mức độ ảnh hưởng toàn cầu của chính quyền Trung Quốc và các hành vi vi phạm nhân quyền.

Bạo lực bùng phát ở Nam Phi

Bạo lực bùng phát ở Nam Phi sau khi cựu Tổng thống Jacob Zuma bị kết án 15 tháng tù vào tuần trước. Ông Zuma bị kết tội khinh thường tòa án vì đã không xuất hiện trong phiên điều trần hồi tháng 2 liên quan đến các cáo buộc tham nhũng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Hơn 70 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn. Các trung tâm mua sắm, cửa hàng và ngân hàng ở các tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal đã bị cướp phá. Quân đội Nam Phi đã điều động 2.500 binh sĩ đến hỗ trợ cảnh sát, tuy nhiên tình hình vẫn ngoài tầm kiểm soát.

Các cuộc bạo loạn đã dẫn tới cháy nhà, khiến một người mẹ trẻ buộc phải ném con gái 2 tuổi của mình từ tầng 2 xuống. Video cho thấy em bé đã bình an khi rơi vào vòng tay của những người đứng đón bên dưới.

Sun Xianglu, một người Trung Quốc làm việc ở Nam Phi trong nhiều năm, nói với báo chí Trung Quốc rằng Newcastle ở KwaZulu-Natal cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc bạo loạn. Thành phố này là nơi có ít nhất 100 nhà máy dệt của Trung Quốc.

Một số cư dân mạng đăng tải thông tin cho thấy nhiều siêu thị Trung Quốc ở Nam Phi bị lục soát. Nhiều người Trung Quốc nói rằng nhà cửa của họ bị thiêu rụi, tài sản thương mại và nhà xưởng bị hư hại.

Vào ngày 14/7, theo giờ địa phương, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi đã ban bố cảnh báo an toàn khẩn cấp lần thứ hai trong hai ngày. Đại sứ quán nhắc nhở công dân Trung Quốc ở địa phương chú ý an toàn cá nhân và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hơn nữa.

Một báo cáo của RFA trích dẫn một người Trung Quốc địa phương rằng thành phố Durban đã được thiết quân luật. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực và cướp bóc vẫn diễn ra. Nguồn tin cho biết quân đội và cảnh sát chỉ can thiệp một cách hạn chế.

Vì sao người Nam Phi tấn công các doanh nghiệp Trung Quốc?

Theo RFA, các nhà quan sát Trung Quốc lưu ý rằng đối với mỗi cuộc bạo động ở các nước châu Á và châu Phi, các cửa hàng Trung Quốc thường bị nhắm mục tiêu đầu tiên.

Học giả xã hội học Trung Quốc Lu Hao nói với RFA rằng việc cướp bóc và đốt phá các doanh nghiệp Trung Quốc ở Nam Phi cho thấy thái độ “chống Trung Quốc” xuất phát từ những hành động mà chính quyền Trung Quốc gây ra.

Bắc Kinh ‘xuất khẩu’ vi phạm nhân quyền

Học giả Lu nói: “Có hai lý do chính dẫn đến điều này. Thứ nhất là chính phủ Trung Quốc đã vi phạm nhân quyền trong một thời gian dài. Điều này khiến thế giới có ấn tượng rất kém. Nguyên nhân thứ hai là các dự án viện trợ nước ngoài và đầu tư quốc tế của chính phủ Trung Quốc đã đưa những hành vi lạm dụng ở trong nước của Trung Quốc sang các nước khác, như vi phạm quyền lao động, hủy hoại môi trường và hối lộ.”

Ông Lu nói rằng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc xây dựng các dự án quy mô lớn ở các nước tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Các dự án này bị chỉ trích là gây ra bẫy nợ và tranh chấp với người dân địa phương.

Tính đến tháng 1 năm 2021, 40 quốc gia từ châu Phi cận Sahara đã tham gia dự án Vành đai – Con đường của Trung Quốc. Các quốc gia châu Phi có khoản nợ Trung Quốc lớn nhất là Angola (25 tỷ USD), Ethiopia (13,5 tỷ USD), Zambia (7,4 tỷ USD) , Cộng hòa Congo (7,3 tỷ USD), và Sudan (6,4 tỷ).

Chính quyền Trung Quốc che giấu dịch Covid-19

Học giả Lu Hao nói, một nguyên nhân khác khiến người Nam Phi phẫn nộ là việc chính quyền Trung Quốc xử lý sai trái và che giấu đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch Covid-19.

Ông Lu nói: “Nhiều quốc gia đã phải gánh chịu hậu quả rất nghiêm trọng trong đại dịch vì chế độ Trung Quốc.”

Tính đến ngày 16 tháng 7, Nam Phi đã có 2.253.240 trường hợp mắc COVID và 65.972 người tử vong.