Hàng loạt nhà đầu tư toàn cầu chạy khỏi Trung Quốc do khó khăn từ các chính sách zero Covid và nguy cơ Bắc Kinh bị trừng phạt vì mối quan hệ với Nga.

Theo Bloomberg ngày 18/4: “Danh sách rủi ro ngày càng tăng đang biến Trung Quốc thành một vũng lầy tiềm tàng đối với các nhà đầu tư toàn cầu.”

Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều nhà đầu tư muốn rời bỏ Trung Quốc. Thêm vào đó là nguy cơ Trung Quốc có thể bị phương Tây trừng phạt vì mối quan hệ liên đới với Nga.

“Tình bạn của Chủ tịch (Trung Quốc) Tập Cận Bình với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã khiến các nhà đầu tư mất lòng tin hơn nữa vào Trung Quốc”, theo Bloomberg.

Kết quả là, một số nhà đầu tư quốc tế đang nhận thấy rằng việc phân bổ tài chính vào Trung Quốc ngày càng rủi ro. Bloomberg cho biết, các quỹ đầu tư tư nhân bằng đô la Mỹ đầu tư vào Trung Quốc chỉ huy động được 1,4 tỷ đô la trong quý đầu tiên của năm 2022. Đây là con số thấp nhất cùng kỳ, kể từ năm 2018.

Quy mô và tốc độ của các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga đã buộc các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về thái độ của phương Tây đối với Trung Quốc, theo ông Simon Edelsten thuộc công ty đầu tư Artemis Investment Management LLP của Anh.

Ông Edelsten cho biết thái độ quyết đoán hơn của Trung Quốc về vấn đề Hong Kong và các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng.

Ông Brendan Ahern, giám đốc đầu tư của Krane Funds Advisors LLC, cho biết các nhà đầu tư lo ngại khả năng Trung Quốc sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt tương tự Nga.

Ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết: “Thị trường đang lo lắng về mối quan hệ của Trung Quốc với Nga – điều này khiến các nhà đầu tư sợ hãi. Các vị có thể thấy sự lo lắng về rủi ro đã xuất hiện kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu”.

“Mọi người đều bán trái phiếu Trung Quốc nên chúng tôi rất vui vì đã không mua bất kỳ trái phiếu nào”, ông Innes nói thêm.

Việc thoái vốn khỏi Trung Quốc có thể không phải là một lựa chọn đơn giản, theo Bloomberg. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sở hữu thị trường trái phiếu trị giá 21 nghìn tỷ USD và các sàn chứng khoán có giá trị 16,4 nghìn tỷ USD ở đại lục và ở Hồng Kông.

Tuy nhiên, khi rủi ro gia tăng, thì việc các nhà đầu tư rời bỏ thị trường Trung Quốc là một điều không thể. Và thực tế là nó đang diễn ra với quy mô lớn khiến Trung Quốc có thể biến thành một “vũng lầy” mà không ai muốn nhúng chân vào.