Bản tin cập nhật ngày 29/6 xin gửi tới quý vị những nội dung chính sau.

  • Chủ mỏ Trung Quốc bắn 2 công nhân Zimbabwe –phát súng lột mặt nạ ‘tình hữu nghị’?
  • Thành phố có đập Tam Hiệp đang lâm nguy, dị tượng liên tiếp xuất hiện
  • Trung Quốc tuyển võ sĩ lên biên giới; nhân viên chính phủ phá nhà thờ, đánh đập giáo dân
  • Trung Quốc nói tìm thấy nước ngọt ở đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam: Khi diều hâu khát nước
  • Va chạm tàu ngoài khơi Philippines, 14 người mất tích
  • Nông sản Việt sang Trung Quốc lại ‘cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt’

Sau đây là nội dung chi tiết:

Chủ mỏ Trung Quốc bắn 2 công nhân Zimbabwe –phát súng lột mặt nạ tình hữu nghị?

Theo tin từ CNN, ông Zhang Xuen, một chủ mỏ Trung Quốc, đã bắn một nhân viên 5 lần và làm bị thương một người khác tại khu mỏ mà ông ta vận hành ở tỉnh Gweru thuộc miền trung Zimbabwe, một quốc gia ở Nam Phi.

Hai công nhân gốc Phi bị ông chủ Trung Quốc bắn (ảnh trên Twitter)

Sự việc xảy ra sáng ngày 23/6 trong khi ông Zhang tranh cãi với các công nhân về việc trả tiền lương. Hai công nhân gốc Phi đã đề nghị ông Zhang tăng lương bằng đôla như đã thoả thuận, nhưng ông này từ chối trả, nên dẫn đến tranh cãi. Một công nhân lao về phía Zhang và bị ông này rút súng ra bắn ba phát vào đùi phải và hai phát vào đùi trái. Ông ta cũng bắn bị thương côn nhân còn lại.

Video về vụ nổ súng đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội ở Zimbabwe, gây phẫn nộ trong công chúng. Cộng đồng mạng bình luận rằng, đây là phát súng giúp cho người Phi tỉnh khỏi giấc mơ đẹp về tình hữu nghị, sự giúp đỡ chân thành mà Trung Quốc nhiều lần giao giảng. Phía giới chức Zimbabwe cũng lên tiếng cho rằng, họ có bằng chứng về việc nhiều công nhân bị lạm dụng, đánh đập và phân biệt đối xử bởi các ông chủ mỏ người Trung Quốc.

Tuy nhiên, xem ra Trung Quốc vẫn muốn chứng tỏ với thế giới rằng, điều Bắc Kinh dành cho châu Phi không phải là tình hữu nghị viển vông. Những gì Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe tuyên bố về vụ việc này là vụ nổ súng chỉ là “sự cố cá biệt” và sẽ hỗ trợ điều tra hết mức.

Thành phố có đập Tam Hiệp đang lâm nguy, dị tượng xuất hiện ở Hồ Bắc – Thượng Hải: Thành phố Nghi Xuơng – nơi có đập Tam Hiệp vừa hứng lượng mưa kỷ lục trong 50 năm qua; lượng mưa lên tới 17 cm, khiến nhiều khu vực chìm trong nước lũ.

Cảnh ngập lụt ở TP. Nghi Xương (ảnh chụp màn hình).

Các video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, tại nhiều tuyến phố ở Nghi Xuyên nước ngập sát đầu người, xe hơi nổi lềnh bềnh trên các trục đường chính, nhiều người mắc kẹt trong ôtô la hét cầu cứu. Tính đến cuối ngày 28/6, thành phố Nghi Xuyên và 6 khu vực khác tại tỉnh Hồ Bắc chìm trong biển nước, khiến gần 1 triệu người bị ảnh hưởng. Lũ lụt ở phía Nam Trung Quốc từ đầu tháng 6 đến nay đã khiến ít nhất 12 triệu người bị ảnh hưởng, 78 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế khoảng 3,6 tỷ USD, theo công bố của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc.

Những cơn mưa sắc xanh lam khiến trời Thượng Hải đáng sợ (ảnh https://www.youtube.com/watch?time_continue)

Trong khi thành phố có “quả bom nước” Tam Hiệp đang lâm nguy, thì nhiều dị tượng đã xuất hiện tại Hồ Bắc và thành phố Thượng Hải. Khoảng 7 giờ tối qua 28/6 tại thành phố Kinh Môn (tỉnh Hồ Bắc) lại xuất hiện vòi rồng. Cụ thể, tại đoạn đường gần thôn Song Tuyền, bầu trời bỗng trở nên u ám dị thường, sau đó vòi rồng xuất hiện quật đổ hàng chục cây to ven đường, nhiều nhà bị tốc mái, mái tôn rơi xuống đất và biến dạng, tạo thành khung cảnh đổ nát thê lương. Trước đó, ngày 25/6, khu vực Nội Mông Cổ cũng xuất hiện vòi rồng khổng lồ.

Tại Thượng Hải từ sáng hôm qua xuất hiện những trận mưa lớn, mang theo sắc xanh lam ám ảnh người chứng kiến. Đến 1 giờ chiều trời bỗng tối sầm, mưa lớn giảm dần,  chính quyền gỡ cảnh báo mưa lớn màu xanh lam, nhưng trời Thượng Hải lại vào cảnh mưa như trút nước.

Trung Quốc tuyển võ sư lên biên giới; nhân viên chính phủ đánh đập giáo dân

Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này vừa tuyển 20 võ sĩ MMA để lập thành đội dân quân biên phòng đóng tại Lhasa, thủ phủ khu tự trị Tây Tạng. Các võ sĩ này đến từ câu lạc bộ võ thuật Enbo ở tỉnh Tứ Xuyên – nơi có tiếng trong việc đào tạo võ sĩ sang các đấu trường Âu, Mỹ giật giải.

Hành động của phía Trung Quộc được đưa ra sau cuộc đụng độ giữa binh lính Ấn – Trung tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh ngày 15/6. Tại đây, hai bên không dùng súng đạn mà tấn công nhau bằng nấm đấm, đá và gậy nạm đinh. Phía Ấn Độ công khai có 20 binh sĩ thiệt mạng, còn Trung Quốc có 40 người chết, nhưng thông tin này bị Bắc Kinh bác bỏ.

Trong khi đó, Trung Quốc bị cho rằng đã để một lực lượng khác tuy không mạnh về cơ bắp nhưng không thiếu độ hiếu chiến đi đập phá các cơ sở tôn giáo. The Christian Post –  một tờ báo trực tuyến Kitô giáo trụ sở ở Mỹ đưa tin rằng, sáng 12/6, khoảng 200 nhân viên chính phủ Trung Quốc đã đột nhập vào một nhà thờ Cơ đốc giáo ở tỉnh Hà Nam vào đầu tháng này, sau đó phá hủy nhà thờ và đánh đập những tín hữu Kitô cố gắng ngăn cản họ.

 Nhà thờ Golden Lampstand ở tỉnh Sơn Tây đã bị các sĩ quan cảnh sát phá hủy năm 2018 (ảnh chụp màn hình AP).

Dù không có lệnh khám xét, họ vẫn tự ý yêu cầu mọi người ra ngoài, sau đó dọn dẹp đồ đạc bên trong trước khi san phẳng nhà thờ thành bình địa. Hai thành viên nữ trong nhà thờ đã phải nhập viện. Các nhân viên chính phủ cũng bắt giữ một thành viên nam trong nhà thờ.

Đây là lần thứ hai chính quyền Trịnh Châu đưa người tới nhà thờ Sunzhuang nhằm phá hủy nó. Lần đầu là vào năm 2013 nhưng họ đã không thể thực hiện được ý đồ.

Trung Quốc nói tìm thấy nước ngọt ở đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam: Khi diều hâu khát nước

 Báo South China Morning ngày 28/6 đưa tin, tạp chí Thủy văn có tiếng trong giới học thuật Trung Quốc vừa đăng nghiên cứu của nhà địa chất hải dương Xu Hehua, trong đó phân tích quá trình bồi đắp và cải tạo đá Chữ Thập đã làm xuất hiện mạch nước ngọt bên dưới.

Nhóm của ông Xu tính toán mực nước ngầm bên dưới đá Chữ Thập đang tăng lên với tốc độ khoảng 1m/năm, cao gấp 2 lần so với các đảo tự nhiên. Mực nước hiện tại đo được khoảng 7m và có thể lên 15m vào năm 2035.

Lượng mưa trung bình mỗi năm ở Chữ Thập nhiều gấp 5 lần Trung Quốc đại lục cũng góp phần làm tăng nhanh mực nước ngầm bên dưới.

“Mạch nước ngầm này sẽ đóng vai trò quan trọng cho dân cư sinh sống và hệ sinh thái”, các nhà nghiên cứu thuộc “Viện hải dương học Nam Hải” ở Quảng Châu khẳng định. Nam Hải là cách Trung Quốc gọi Biển Đông.

Nghiên cứu này khiến giới quan sát Biển Đông lo ngại. Bởi về bề mặt có thể xem đây là một nghiên cứu thuần khoa học, nhưng Bắc Kinh sẽ sử dụng những điều này phục vụ cho mục đích diều hâu của họ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ dùng nghiên cứu của ông Xu trong nỗ lực thay đổi Chữ Thập từ “đá” sang “đảo” để hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh. Và sau Chữ Thập, rất có thể sẽ là các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam.

Trong phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài, không thực thể địa lý nổi nào ở Trường Sa đủ điều kiện trở thành đảo. Một trong những lý do là không thể đảm bảo điều kiện cho người sinh sống. Tuy nhiên, khi nghiên cứu của Xu được mở rộng, Bắc Kinh hy vọng sẽ nắm được lý để đảo ngược tình hình.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Va chạm tàu ngoài khơi Philippines, 14 người mất tích: Ít nhất 14 ngư dân Philippines mất tích vào sáng sớm hôm thứ Hai, sau vụ va chạm giữa tàu đánh cá của họ với một tàu chở hàng nước ngoài.

Các trang báo Đông Nam Á và Trung Quốc cùng đưa tin, vụ va chạm xảy ra ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của tỉnh Occidental Mindoro, Philippines.  Tuy nhiên, trong khi tờ Rappler cho biết, tàu chở hàng trong vụ va chạm là tàu Trung Quốc thì tờ SCMP viết rằng, con tàu này cắm cờ Hồng Kông.

Tờ báo địa phương Philippines Daily Inquirer dẫn lời một chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển nước này nói rằng khi những người cứu hộ đến khu vực, họ vẫn thấy chiếc tàu cá bị lật nhưng không tìm thấy ai nữa.

Nông sản Việt sang Trung Quốc lại ‘cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt’: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết gần đây, chính quyền Quảng Tây (Trung Quốc) đã áp dụng một số biện pháp tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm vào địa phương này.

Quảng Tây cấm mua bán, tàng trữ các loại thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; các trường hợp kinh doanh thực phẩm nhập khẩu phải cung cấp chứng từ kiểm nghiệm kiểm dịch của cơ quan hải quan.

Chính quyền TP. Đông Hưng (có chung đường biên giới với Móng Cái, Quảng Ninh) cũng tăng cường tổng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm đối với thủy sản, các loại thịt tại các chợ nông sản, siêu thị, khách sạn tại địa phương này.

Trước động thái trên của phía Trung Quốc, Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo khẩn cấp và khuyến nghị các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải kiểm tra và tuân thủ nghiêm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc… đối với hàng nhập khẩu sang nước này.

Bản tin ngày 24/5 của Tin360 xin kết thúc tại đây, cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi.