Bản tin tối 1/7 có những nội dung chính sau:

  • Chính thức xóa bỏ chế độ viên chức suốt đời
  • Hai người chết ngạt khí dưới hang sâu
  • Bộ Giáo dục bị thầy giáo ở Hải Phòng kiện ra tòa
  • Biểu tình phản đối luật an ninh ở Hồng Kông
  • Tín hiệu tốt lành: Tổng thống Trump đón kỷ lục cao nhất 20 năm
  • Áo, Bỉ phản đối việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Bắc Kinh
  • Đối đầu Trung Quốc, Ấn Độ điều 12 tàu vỏ thép lên biên giới
  • Kim Jong Un nổi giận vì tờ rơi ‘xúc phạm’ tới vợ

Sau đây là nội dung chi tiết:

Chính thức xóa bỏ chế độ “viên chức suốt đời”

Hôm nay (1/7), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực.

Theo luật mới, viên chức – những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập sẽ ký hợp đồng lao động với thời hạn 12 tháng đến 60 tháng, không còn hợp đồng vô thời hạn. Công chức, viên chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc.

Ảnh chụp mành hình VnExpess.

Ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) nói với VnExpress, điều này sẽ làm thay đổi tư tưởng cứ có chỗ trong đơn vị sự nghiệp công lập là chắc chân, xoá bỏ suy nghĩ cứ vào được nhà nước là ổn định hoàn toàn.

Hai người chết ngạt khí dưới hang sâu

Sự vụ đau lòng xảy ra tại xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Vào lúc 8h sáng qua 30/6, ông Hứa Văn Háy, 44 tuổi, ở xã Đoài Dương dùng máy tuốt lúa để bơm nước từ hang Sa Đeng (cửa hang rộng 2 m) lên bờ ruộng.

Hơn 20 phút sau không thấy chồng lên, bà Thiên xuống tìm nhưng cũng không trở lại. Thấy vậy, 5 người ở trên bờ xuống giải cứu hai vợ chồng, nhưng cả 7 người, gồm vợ chồng ông Háy – bà Thiên đều bị ngất vì ngạt khí dưới hang.

Sau khi lực lượng cứu hộ tới giải cứu, có 5 người được cứu sống, song ông Háy và anh Nông Văn Dụ đã tử vong.

Bộ Giáo dục bị thầy giáo ở Hải Phòng kiện ra tòa

TAND TP.Hải Phòng đã có quyết định ngày 10/7 sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ một thầy giáo từng dạy tại Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng kiện Bộ GD-ĐT.

Theo báo Thanh Niên, người khởi kiện là ông Ngô Văn Hiển và ông Nguyễn Tế Đồng, đều trú ở Hải Phòng. Ông Đồng đã ủy quyền việc khởi kiện cho ông Hiển.

Trường đại học nơi ông Hiển từng giảng dạy.

Ông Ngô Văn Hiển (đã về hưu) là Trưởng bộ môn của Trường đại học Dân lập Hải Phòng trước đây, nay là Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng. Ông Hiển kiện Bộ Giáo dục vì không thực hiện hành vi hành chính trong suốt 12 năm; Bộ GD-ĐT có dấu hiệu đồng lõa, bao che cho Chủ tịch HĐQT lâm thời, Hiệu trưởng Trường đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng thực hiện nhiều sai phạm; Bộ GD-ĐT phớt lờ nhiều ý kiến báo cáo, kiến nghị của thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) lâm thời và các thành viên sáng lập.

Trước đó, Tòa án Hải Phòng đã tổ chức phiên đối thoại giữa các bên nhưng người đại diện Bộ Giáo dục không có mặt.

Biểu tình phản đối luật an ninh ở Hồng Kông

Theo các hãng tin quốc tế, đầu giờ chiều nay (giờ Hồng Kông), hơn 1.000 người tập trung tại công viên Victoria thuộc Vịnh Causeway. Tại Wan Chai, hàng trăm người biểu tình diễu hành về phía quận Admiralty.

Họ hô vang các khẩu hiệu ủng hộ dân chủ, dương cờ Mỹ. Những người biểu tình ở Wan Chai hô lớn “giải phóng Hong Kong, cách mạng của thời đại chúng ta”, và “Độc lập Hong Kong, lối thoát duy nhất”.  Li Hang, 52 tuổi, phất cờ  Mỹ trong cuộc diễu hành tại Vịnh Causeway dõng dạc:”Tôi làm điều này vì muốn chính phủ Mỹ làm nhiều hơn để gây áp lực buộc chính phủ Trung Quốc rút luật”.

Cảnh sát Hồng Kông trấn áp đoàn người biểu tình hôm 1/7 (ảnh cắt từ video SCMP/Youtube).

Ủy viên quận Trung Tây, anh Fergus Leung nói với HKFP rằng cuộc diễu hành ngày 1/7 rất có ý nghĩa. “Việc ban hành luật an ninh quốc gia sẽ dẫn đến khủng bố trắng ở Hồng Kông”, anh Leung nói. “Nhưng tôi tin rằng, từ những người mà bạn nhìn thấy trên đường phố hôm nay, điều này cho thấy người Hồng Kông sẽ không lùi bước trước sự áp bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Một cảnh sát xịt hơi cay ở Vịnh Causeway hôm 1/7 (ảnh chụp màn hình SCMP)

Phía cảnh sát Hồng Kông có thêm công cụ là Luật an ninh có hiệu lực, nên tập trung đông quân số và mạnh tay bắt những người biểu tình. Khoảng 16h30 (15h30 giờ Việt Nam), cảnh sát đã phong tỏa người biểu tình ở đường Causeway bên ngoài Thư viện Trung tâm, bắn đạn cao su và đạn tiêu vào đám đông. Tuy nhiên, số người biểu tình đổ về đường Hennessy ngày một đông, con số ước tính tới hàng ngàn người.

Trong một thông báo từ phía cảnh sát Hồng Kông, đến cuối giờ chiều nay, họ đã bắt ít nhất 180 người, gồm 7 người vi phạm luật an ninh mới, và những người bị cáo buộc tụ tập bất hợp pháp, cản trở người thi hành công vụ.

Tín hiệu tốt lành cho nước Mỹ khi đón kỷ lục cao nhất 20 năm

Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm, có quý thành công nhất trong nhiều thập kỷ nhờ những giải pháp chưa từng có của Fed và chính quyền ông Donald Trump.

Kết thúc phiên cuối cùng quý II, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận quý có thành quả tốt nhất từ năm 1987 với việc tăng thêm hơn 217 điểm lên 25.813 điểm. Các chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đều tăng, chứng khoán Mỹ tốt hiếm có giữa thời kỳ đen tối.

Chứng khoán Mỹ chứng kiến quý II/2020 tăng mạnh nhất trong 20 năm qua.

Báo điện tử Vietnamnet dẫn phân tích của CNBC cho thấy, sở dĩ chứng khoán Mỹ tăng mạnh giữa thời điểm đen tối của dịch Covid -19 là bởi sự kết hợp của hàng loạt các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các gói kích thích kinh tế từ chính quyền ông Donald Trump, sự tái mở cửa nền kinh tế và hy vọng về vaccine ngừa Covid-19.

Áo, Bỉ phản đối việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Bắc Kinh

Truyền thông Mỹ đưa tin, 23 tháng 6, Ủy ban Nhân quyền của Nghị viện Áo thông qua nghị quyết để chống lại việc buôn bán trái phép nội tạng và buôn người ở Trung Quốc. Theo bà Gudrun Kugler, bà và các thành viên Nghị viện Áo đã nhận được các báo cáo về việc cưỡng bức thu hoạch tạng sống ở Trung Quốc.  Theo đó, nhóm các dân tộc thiểu số và những người có đức tin, bao gồm người Hồi giáo, người Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công và Kitô hữu đều thuộc những nhóm người thực sự chịu ảnh hưởng bởi hoạt động mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 12/6, Bỉ đã thông qua một nghị quyết lên án sự tiếp diễn của hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc.

Một hoạt động tại Vienna, Áo năm 2018 tái hiện cảnh cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ từ học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Đối đầu Trung Quốc, Ấn Độ điều 12 tàu vỏ thép lên biên giới

Theo Hindustan Times, trong ngày 1/7, Hải quân Ấn Độ sẽ đưa 12 tàu vỏ thép công suất lớn, trang bị hệ thống giám sát hiện đại đến khu vực Ladakh để Lục quân nước này có thể tuần tra hồ Pangong và cũng nhằm đối trọng với các tàu Type 928 B của quân đội Trung Quốc.

Quyết định đưa các tàu vỏ thép đến hồ Pangong do 3 quân chủng đưa ra trong tuần qua, với việc Hải quân đề nghị vận chuyển các tàu bằng máy bay vận tải hạng nặng C-17 đến Leh (thủ phủ Ladakh) trên cơ sở ưu tiên. Qua đây, Ấn Độ muốn phát đi tín hiệu về ý định kiên quyết đối đầu với bất kỳ hành động khiêu khích nào của Trung Quốc.

Phía Ấn Độ cho hay, phía Trung Quốc đang muốn kích động Ấn Độ bằng việc “gặm nhấm” thêm lãnh thổ và đẩy căng thẳng leo thang ở biên giới.

Kim Jong Un nổi giận vì tờ rơi ‘xúc phạm’ tới vợ

Theo tiết lộ của Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng, truyền đơn mà những nhà hoạt động Hàn Quốc rải tại biên giới liên Triều ngày 31/5 chứa hình ảnh xúc phạm Đệ nhất Phu nhân Triều Tiên Ri Sol Ju. Cụ thể, hình ảnh của bà Ri được photoshop “một cách tệ hại” kèm theo đó là những lời lẽ xúc phạm. Việc này khiến ông Kim Jong Un rất tức giận.

Dù hình ảnh bà Ri Sol Ju và nội dung trong truyền đơn không được tiết lộ, song theo Đại sứ Nga, điều này như giọt nước tràn ly, khiến quan hệ liên Triều gia tăng căng thẳng.

Bản tin tối 1/7 xin kết thúc tại đây. Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!