Cập nhật tối 30/6: Trung Quốc vận hành đập thủy điện khổng lồ mới cao hơn ‘quả bom nước’ Tam Hiệp
Bản tin cập nhật tối 30/6 có những nội dung chính sau:
- Trung Quốc cho vận hành thủy điện khổng lồ, cao hơn ‘quả bom nước’ Tam Hiệp
- Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông, Hoàng Chi Phong rời đảng Demosisto
- Tiết lộ nguyên nhân xung đột đẫm máu ở biên giới Trung – Ấn
- Yêu cầu công bố nồng độ hóa chất lan ra môi trường sau vụ cháy ở cảng Đức Giang
- Hà Nội lên tiếng về việc tặng huân chương chống Covid-19 cho ông Nguyễn Đức Chung
- Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở 20 tỉnh thành.
Sau đây là nội dung chi tiết:
Trung Quốc cho vận hành thủy điện khổng lồ mới, cao hơn ‘quả bom nước’ Tam Hiệp
Bản tin Reuters phát ngày ngày 30/6, Trung Quốc vừa vận hành đập thủy điện Ô Đông Đức – một trong số chuỗi đập khổng lồ trên thượng nguồn sông Dương Tử.
Xét về chiều cao, đập đập thủy điện Ô Đông Đức cao tới 270m, vượt trội so với chiều cao 181m của đập Tam Hiệp – “quả bom nước” đang gây khiếp sợ cho hàng trăm triệu người dân Trung Quốc. Xét về quy mô, đập thủy điện này lớn thứ 4 ở Trung Quốc và lớn thứ 7 thế giới.
Vào hôm 29/6 vừa qua, tổ máy đầu tiên của thủy điện này đã được đưa vào vận hành. Theo các thông tin trên báo giới quốc tế, phụ trách hoạt động của đập thủy điện này là Tập đoàn Dự án Tam Hiệp, điều đó cho thấy có thể hai con đập khổng lồ Ô Đông Đức và Tam Hiệp đều có chung “ông chủ” phía sau. Những thông tin từ phía truyền thông Trung Quốc cho thấy, dự án đập thủy điện Ô Đông Đức có tổng vốn đầu tư lên tới 120 tỉ nhân dân tệ (tương đương 395.261 tỷ đồng).
Việc Trung Quốc vận hành nhà máy thủy điện mới trong lúc lũ lụt xảy ra nghiêm trọng nhất ở nước này từ hàng chục năm qua. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Văn xã, từ ngày 2 tới 29/6, Đài Khí tượng trung ương Trung Quốc đã phát các cảnh báo mưa to liên tục 28 ngày, một điều hiếm thấy trong những năm qua.
Đến nay, lũ lụt đã ảnh hưởng đến gần 14 triệu dân ở 26 tỉnh của Trung Quốc, 78 người được ghi nhận đã thiệt mạng hoặc mất tích, trong khi thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 27,8 tỉ nhân dân tệ (3,93 tỉ USD).
Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông, Hoàng Chi Phong rời đảng Demosisto
Sáng nay Hoàng Chi Phong cùng những người đồng sự Chu Đình và La Quán Thông thông báo rút khỏi đảng Demosisto do họ thành lập, vài giờ trước khi luật an ninh quốc gia Hồng Kông được Bắc Kinh thông qua.
Nói trên Facebook và Twitter, Hoàng Chi Phong cho biết anh từ chức tổng thư ký đảng Dân chủ Demosisto, rút khỏi đảng này song sẽ tiếp tục trên con đường bảo vệ dân chủ cho Hồng Kông. Anh viết: “Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng vì Hong Kong và thúc đẩy nỗ lực để bảo vệ chút tự do cuối cùng của chúng ta”.
Cùng ngày, đảng Demosisto cũng ra thông báo giải tán. “Sáng nay chúng tôi đã nhận được thông tin và chấp nhận sự ra đi của Hoàng Chi Phong, Chu Đình và La Quán Thông. Sau nhiều lần cân nhắc nội bộ, chúng tôi đã quyết định giải tán và ngừng mọi hoạt động”, đảng Demosisto đăng trên Twitter.
Đảng Demosisto được thành lập năm 2016, với mục đích để các thành viên tranh cử tại các cuộc bầu cử lập pháp nhằm bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông. Tuy nhiên, họ nhiều lần bị cản trở trong các cuộc buộc cử.
Tiết lộ nguyên nhân xung đột đẫm máu ở biên giới Trung – Ấn
Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Vijay Kumar Singh – nguyên tư lệnh lục quân nước này đã nói với tờ ABP News về nguyên nhân xung đột đẫm máu giữa binh sĩ Trung – Ấn hôm 15/6.
Theo ông Singh, trong các cuộc đàm phán cấp chỉ huy, 2 bên đã đạt được đồng thuận rằng binh sỹ 2 nước sẽ không xuất hiện gần LAC.
Tuy nhiên, vào ngày xảy ra cuộc đụng độ, khi quân đội Ấn Độ đi tuần, họ phát hiện lực lượng Trung Quốc vẫn chưa rút về và thậm chí còn dựng lều tại đó.
“Sỹ quan chỉ huy Ấn Độ sau đó yêu cầu phía Trung Quốc tháo lều. Ngay khi họ đang tháo lều, một đám cháy bất ngờ bùng phát, sau đó 2 bên bắt đầu đụng độ dữ dội”, ông Singh cho hay.
Ông Singh nói thêm rằng hơn 40 binh sỹ Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc đụng độ. Tuy nhiên, tuyên bố này từng bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận.
Yêu cầu công bố nồng độ hóa chất lan ra môi trường sau vụ cháy ở cảng Đức Giang
Sáng nay tại cảng Đức Giang – Long Biên – Hà Nội đã xảy ra vụ cháy kho chứa hóa chất. Theo người dân, trong vụ cháy, nhiều thùng hóa chất bị nổ tung trên không trung, văng xa hàng trăm mét.
Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng dư luận lo lắng tình trạng ô nhiễm hóa chất có thể xảy ra, tương tự như vụ cháy nhà máy Rạng Đông ở quận Thanh Xuân.
Theo tin trên báo Giao thông, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu những người có trách nhiệm phải công bố công khai mức độ ô nhiễm tại Đức Giang để người dân được biết.
Dù vậy, vẫn chưa có thông báo nói rõ thời hạn của việc công bố này là ngày nào.
Hà Nội lên tiếng về việc tặng huân chương chống Covid-19 cho ông Nguyễn Đức Chung
Một ngày sau khi các báo đăng tin Hội đồng Thi đua – khen thưởng TP Hà Nội đang thực hiện các bước đề xuất xét tặng Huân chương Lao động hạng nhất với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vì thành tích chống dịch Covid-19, trong dư luận có nhiều bình luận với các ý kiến đa chiều.
Theo báo Tuổi Trẻ sáng nay 30/6, phía Hội đồng khen thưởng Hà Nội đã lên tiếng về vụ việc này. Theo đó, ông Chung được 17 thành viên trong Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội đều bầu xét tặng để được đi đến các bước tiếp theo. Tiếp đó, Hà Nội sẽ lấy ý kiến nhân dân trong 7 ngày trước khi đề nghị tặng thưởng huân chương cho ông Chung.
Ngoài ông Chung, lần này Hội đồng khen thưởng còn đề xuất Trung ương tặng tặng huân chương lao động hạng nhất cho “tâp thể cán bộ và nhân dân thành phố” vì thành tích chống dịch Covid-19.
Thời gian qua, khi dịch Covid-19 lắng xuống trong cộng đồng, thì xuất hiện những câu chuyện lùm xùm xoay quanh việc khen thưởng thành tích chống dịch, cụ thể như tại Sở Y tế Đà Nẵng. Việc bất nhất giữa các văn bản khen thưởng khiến bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng xin rút không nhận hình thức khen thưởng nào nữa “vì cảm thấy mình bị tổn thương”.
Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở 20 tỉnh thành
Theo báo Lao Động, Đến ngày 28/6, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 143 xã ở 20 tỉnh thành, khiến 5.856 con lợn buộc phải tiêu hủy.
Trong số các địa phương tái phát bệnh, có nhiều tỉnh thành thuộc vùng Tây Bắc và Đông Bắc như Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Ninh…
Theo Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi tái phát trở lại đang gây khó khăn rất lớn cho việc tái đàn.
Bản tin tối 30/6 xin dừng ở đây, trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!