Ngày 23/11, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết đã tiếp nhận, điều trị một bệnh nhân mắc Whitmore thường được biết đến với tên gọi “vi khuẩn ăn thịt người”.

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, bệnh nhân là ông L.V.H (67 tuổi, ở huyện Tuy An, Phú Yên). Ông H. kể, vào tháng 11/2020 ông lội nước lụt, sau đó bị sốt, ho. Bệnh nhân đã đến khám tại 3 bệnh viện ở các thành phố lớn với chẩn đoán nghi ngờ ung thư phổi.

Khi trở về nhà ông H. bị sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp, trụy mạch, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu vào ngày 14/11. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe ông H.
Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên – cho biết, đến nay bệnh nhân đã bớt sốt, bạch cầu trở về bình thường, giảm ho, tổn thương phổi có cải thiện.

Bệnh Whitmore, còn gọi là bệnh Melioidosis do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, các vùng nước tù đọng và có khả năng lây lan sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.

Biểu hiện bệnh đa dạng từ sốt tới khu trú viêm trên da, viêm tuyến nước bọt mang tai hoặc chỉ nhiễm trùng trên da hoặc có thể nặng như gây sốc nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, áp xe phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Trước đó nguồn tin từ báo Lao Động, ngày 17/11, Bệnh viện T.Ư Huế đã phát đi thông cáo về tình trạng tăng đột biến số ca mắc Whitmore từ đầu tháng 10/2020 đến nay đặt biệt ở các tỉnh miền Trung.

Trước tình trạng đó chuyên gia y tế khuyến cáo để phòng bệnh, người dân cần chú ý vệ sinh và mặc đồ bảo hộ an toàn lao động như đi ủng, đeo găng tay, che chắn vết thương trước khi làm việc.

Trong trường hợp tiếp xúc với vết thương hở, người dân cần sát khuẩn, sơ cứu vị trí vết thương đúng quy trình để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh.