Ngày 17/11, Bệnh viện T.Ư Huế đã phát đi thông cáo về tình trạng tăng đột biến số ca mắc Whitmore thường được biết đến với tên gọi “vi khuẩn ăn thịt người”, từ đầu tháng 10/2020 đến nay.

Theo báo Thanh Niên, từ tháng 10 đến nay, đã có gần 30 ca bệnh nhân nhập viện, trong đó có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… 50% đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế).

Số liệu trên đáng báo động nếu so sánh với số ca bệnh mà Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị từ 2014-2019 với chỉ khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore; từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020 có 11 bệnh nhân. 

Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân do không biết nên đến viện khi tình trạng bệnh nghiêm trọng dẫn đến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Bệnh nhi bị tuyến mang tai do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người đang điều trị tại Trung tâm Nhi Bệnh viên T.Ư Huế
Ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên.

Bệnh Whitmore, còn gọi là bệnh Melioidosis do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, các vùng nước tù đọng và có khả năng lây lan sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.

Biểu hiện bệnh đa dạng từ sốt tới khu trú viêm trên da, viêm tuyến nước bọt mang tai hoặc chỉ nhiễm trùng trên da hoặc có thể nặng như gây sốc nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, áp xe phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Những ai có thể mắc bệnh whitmore?

Bệnh Whitmore gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Bệnh Whitmore dễ bị mắc ở những người có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch…. 

Theo báo cáo từ các vùng có bệnh trên thế giới, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh chiếm 5-15% tổng số ca Whitmore.

Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Số  bệnh nhân tăng tỷ lệ thuận với lượng mưa. Đa số bệnh nhân là nông dân, tuổi từ 50 đến 70, có bệnh nền đái tháo đường hoặc bệnh mạn tính liên quan đến phổi và thận, có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi khi nhập viện. 

Có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả

Bệnh Whitmore được phát hiện ở 80 quốc gia và mỗi năm có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh, và hơn 89.000 người tử vong. Dự báo, Việt Nam mỗi năm sẽ có khoảng 10.430 ca nhiễm bệnh Whitmore và khoảng 4.703 ca tử vong. 

Trước tình trạng đó chuyên gia y tế khuyến cáo để phòng bệnh, người dân cần chú ý vệ sinh và mặc đồ bảo hộ an toàn lao động như đi ủng, đeo găng tay, che chắn vết thương trước khi làm việc.

Trong trường hợp tiếp xúc với vết thương hở, người dân cần sát khuẩn, sơ cứu vị trí vết thương đúng quy trình để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh.