Trận mưa lũ tại miền Trung vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó nguy cơ dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh do muỗi truyền, viêm kết mạc mắt, bệnh ngoài da… đang rình rập sau lũ.

Theo báo Lao Động, Quảng Trị là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất trong trận lũ vừa qua. Hiện nay, nhiều nơi đang đối diện với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, rác thải bủa vây; trong khi hệ thống y tế chưa hoàn toàn khôi phục. Người dân nhiều nơi còn rất thiếu thốn về phương tiện sinh hoạt, các loại hóa chất, thuốc men phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông vẫn còn tắc nghẽn ở nhiều nơi; gây hạn chế rất lớn trong công tác cứu trợ, phòng dịch bệnh.

Lực lượng vũ trang Quảng Trị hỗ trợ dân don dẹp, phòng dịch bệnh sau lũ (ảnh chụp màn hình báo Lao Đông).

Ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến ngày 23/10; do ảnh hưởng mưa lũ, tại tỉnh Quảng Trị có 17 công trình cấp nước bị hư hỏng (huyện Đakrông 15, huyện Hướng Hóa 2).

Hàng nghìn công trình nước sinh hoạt nông thôn, hộ gia đình bị đất đá vùi lấp; cuốn trôi và hư hỏng nặng. Mưa lũ khiến môi trường ô nhiễm, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để véc-tơ truyền bệnh như muỗi, ruồi… sinh trưởng mạnh; gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, tại các vùng ngập lụt, nguồn nước bị nhiễm bẩn. Môi trường sống ô nhiễm sẽ làm gia tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như tiêu chảy; thương hàn, tả, lị, nước ăn chân, viêm da, đau mắt đỏ, mắt hột…

Biện pháp phòng dịch bệnh mùa mưa lũ

Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng dịch bệnh sau lũ (ảnh Bộ Y tê).

Để phòng chống mưa lũ, 100% các đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế đã lên kế hoạch; đảm bảo triển khai hoạt động cấp cứu, khám, chữa bệnh; dự trù đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện, vật tư cần thiết phục vụ công tác phòng chống lụt, bão.

Sau mưa lũ, hiện đang triển khai công tác hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường; đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, tổ chức thu gom, xử lý rác thải. Hỗ trợ cung cấp hóa chất, khử trùng nước sinh hoạt bằng Cloramin B; phèn chua, vôi bột tại vùng bị ngập lụt.

“Chúng tôi đã khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong, sau mưa lũ. Đó là thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm; thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt” – ông Đỗ Văn Hùng, cho biết.

Khắc phục hậu quả lũ, phòng dịch bệnh ở Quảng Bình

Tại Quảng Bình, theo báo Tiền Phong, sáng 22/10, thời tiết tại nhiều địa phương khô ráo; nước lũ rút nhanh, nhiều tuyến đường phương tiện có thể lưu thông, công tác cứu trợ thuận lợi hơn.

Ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong.

Theo ông Phạm Văn Quang – Bí thư xã Trường Xuân (Quảng Ninh); khoảng 16.000/32.000 hộ của xã được di dời đã trở về nơi ở sau khi nước rút.

Còn tại huyện Lệ Thủy, mặc dù nước lũ đã rút. Nhưng do nơi đây là vùng trũng nên nhiều xã vẫn chưa thể tiếp cận bằng đường bộ. Tương tự, rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, nước vẫn còn ngập sâu hơn 1m; việc cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Riêng các huyện thuộc Bắc Quảng Bình như thị xã Ba Đồn, Bố Trạch nước đã rút; công tác khắc phục hậu quả đang diễn ra.

Tại các xã Hiền Ninh, Hàm Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh… thuộc huyện Quảng Ninh, nước đã rút khoảng 80cm. Tuy nhiên nhiều đường liên thôn, xã vẫn chưa thể thông tuyến do một số vị trí còn ngập.

Công tác dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả được người dân và các đơn vị khẩn trương triển khai; lấy phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó” nhằm phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ; sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong.

Khôi phục sản xuất, cung cấp nước sạch, phòng dịch bệnh sau lũ tại Hà Tĩnh

Báo Lao Động đưa tin, đến trưa ngày 23/10, lũ tại Hà Tĩnh cơ bản đã rút và có nắng. Tranh thủ thời tiết năng nóng, người dân các xã Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh, Cẩm Quang, Cẩm Duệ… (huyện Cẩm Xuyên); nhiều xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã mang các vật dụng, đồ đạc, quần áo… ra phơi, sau nhiều ngày chìm trong nước lũ.

Trận lũ vừa qua, khiến hạ tầng cấp nước của Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh thiệt hại nặng. Theo ông Võ Ngọc Vinh – Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cho biết: “Hệ thống trạm bơm tăng áp Đại Nài ở TP Hà Tĩnh (bao gồm 7 máy bơm tăng áp và hệ thống tủ điều khiển) bị ngập sâu hơn 3m. Ngoài ra, trạm bơm tăng áp Thạch Trung và Thạch Hạ (TP.Hà Tĩnh) cũng bị ngập sâu hơn 2m. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng trên 5 tỉ đồng”.

Khi trạm tăng áp Đại Nài bị tê liệt; việc cấp nước cho trên 45.000 dân TP.Hà Tĩnh và các vùng phụ cận bị ảnh hưởng; Công ty triển khai phương án bơm nước sạch từ khu xử lý Thạch Điền (Thạch Hà) về thẳng cho các hộ khách hàng. Đến nay, việc cung cấp nước sạch cho TP.Hà Tĩnh và vùng phụ cận đã trở lại bình thường (đạt 100% công suất).

Đến sáng 23/10, còn trên 1.400 hộ khách hàng của xã Thạch Long (Thạch Hà) đang bị mất nước; do trạm bơm tăng áp Thạch Trung gặp sự cố (chiếm 1,65% khách hàng toàn công ty). Hiện, Công ty đang nỗ lực khắc phục để sớm cấp nước trở lại; phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân ở khu vực này.

Ngoài ra, chính quyền địa phương các cấp cùng các đội thiện nguyện đang tổ chức khảo sát; hỗ trợ người dân cây, con giống, vật nuôi, sách vở…; để người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau lũ.