Dịch bệnh Covid-19 lần này đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được xem là một cú sốc trên nhiều phương diện và có thể có tác động trong thời gian dài, không chỉ là tạm thời và cục bộ.

Trước đây, chúng ta đã chứng kiến những cuộc khủng hoảng do các cú sốc ngắn hạn liên quan đến tiền tệ, giá chứng khoán hay giá dầu nhưng đó được xem là những cú sốc tạm thời. Sau khi qua đi, thị trường chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để tự điều chỉnh và quay trở về trạng thái cân bằng, nhưng với cú sốc có tính dài hạn thì hậu quả sẽ khác.

Trong giai đoạn đầu của cơn dịch này, chúng ta vẫn hi vọng đây là cú sốc ngắn hạn, nhưng cho đến hôm nay, đại dịch đang diễn ra ở châu Á, châu Âu và Mỹ với những hệ lụy nghiêm trọng, là cơ sở để nhìn nhận rằng cú sốc lần này không phải là ngắn hạn, mà là sẽ gây ra những tác động diễn ra trong dài hạn.

Việt Nam đang đứng trước những thử thách rất lớn về phương diện kinh tế trước đại dịch Covid-19, có thể nhận định đây là khó nạn lớn nhất trong chu kỳ phát triển kinh tế 20 năm qua của nền kinh tế quốc gia. Đại dịch Covid-19 giờ đây có thể gây tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.

Lý do nào để nói như vậy: đó chính là đại dịch này sẽ có thể làm thay đổi mặt cầu của nền kinh tế, nhu cầu trên một số ngành nghề sẽ giảm đi một cách rõ nét do sự thay đổi về nhận thức của các nhà đầu tư và cá nhân. Một khi lượng cầu giảm thì hệ luỵ có thể thấy ngay được là lượng cung sẽ giảm theo. Cả hai yếu tố cung-cầu đều giảm cũng có nghĩa là sản lượng kinh tế giảm, số người thất nghiệp tăng.

Đầu tháng 3 vừa qua, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.200 doanh nghiệp (DN), trong đó 75% là DN vừa và nhỏ. Kết quả cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 60% DN sẽ có doanh thu bị giảm trên 50%, gần 29% doanh nghiệp có doanh thu giảm từ 20 – 50%; chỉ có 1,8% số DN được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh, đó là các DKN tự chủ động nguyên liệu, vật tư trong nước để sản xuất mặt hàng nhỏ lẻ. 

Cũng theo kết quả khảo sát này, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số DN trả lời có nguy cơ phá sản vì doanh thu sẽ không thể bù đắp các chi phí hoạt động chính bao gồm chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí bảo hiểm. 

Những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh là du lịch, giáo dục và những DN có sử dụng nhiều lao động, đồng thời có nguồn nguyên liệu hay thị trường xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 

Ngành dệt may, da giày cũng là một ngành kinh tế thu hút lực lượng lớn lao động của Việt Nam. Hiện nay ước tính do 61% nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may và 57% nguyên liệu của ngành da giày nhập khẩu từ Trung Quốc, tuy nhiên đa số các doanh nghiệp này chỉ dự trữ nguyên liệu tới đầu tháng 4. Do vậy có thể nhận thấy hai ngành này sẽ chịu tác động lớn từ việc phụ thuộc nguồn đầu vào từ thị trường Trung Quốc.

Ngành chế biến gỗ và sản xuất bàn ghế cũng trong cùng cảnh ngộ do Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 60-70% tổng lượng dăm gỗ và 67% tổng lượng giấy xuất khẩu của Việt Nam. Với tình hình này, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp này sẽ  sản xuất là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến nhiều triệu lao động.

Với những số liệu sơ bộ qua cuộc khảo sát trên, một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng hiện nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Do vậy qua đại dịch Covid-19 này, Việt Nam được khuyến nghị là cần phải tái cấu trúc lại nền kinh tế; việc tái cấu trúc này không phải vì virus COVID-19, thực ra đây chỉ là một tác nhân thúc đẩy rằng sự thay đổi cần thiết của nền kinh tế Việt Nam trên một số phương diện cơ bản là:

Thứ nhất: Các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần nhìn nhận đây là cơ hội để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Đơn cử như với ngành dệt may, với sự phụ thuộc như vưa nêu trên thì Việt Nam cần xác định cụ thể hơn các con số cho ngành dệt may ví dụ như mỗi năm xuất khẩu bao nhiêu về số lượng và giá trị? Chỉ là gia công hay làm từ A-Z? Tăng trưởng mỗi năm là bao nhiêu phần trăm. Từ đó xác định cần bao nhiêu nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu đầu vào? tỷ lệ nhập khẩu và tỷ lệ tự lực trong nước là bao nhiêu phần trăm. Rồi từ đó, mới quy hoạch các khu công nghiệp hay các vùng để tạo ra mức tự lực về nguyên nhiên vật liệu và phụ liệu trong nước.

Thứ hai là:  Cần có sự thay đổi mạnh về giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao đội ngũ giảng viên, chất lượng dạy học, viện nghiên cứu để có thể tạo ra được những công nghệ kỹ thuật mới hay hiểu được các công nghệ và quá trình vận hành đối với các quy trình sản xuất tiên tiến để có thể chủ động được với nguyên vật liệu đầu vào.

Thứ ba là: Việt Nam cần chú trọng hơn nữa việc đa phương hóa và đa dạng hóa trong các quan hệ kinh tế, sản xuất, thương mại và đầu tư với nhiều đối tác, nhiều quốc gia.  Cụ thể là cần nâng cao năng lực để tham gia tích cực các Hiệp định Tự do Thương mại và đầu tư Liên Âu – Việt Nam, chuyển hướng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường châu Âu hay các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Thực hiện được các biện pháp căn bản như trên thì nền kinh tế Việt nam sẽ vượt qua được những cú sốc về kinh tế, sự phát triển về mặt dài hạn sẽ bền vững hơn.

Ba giải pháp trước mắt mà các doanh nghiệp đề xuất nhiều nhất và mong Chính phủ ưu tiên tập trung hỗ trợ đó là: Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, các loại thuế khác và cho phép miễn tiền nộp chậm thuế; đồng thời cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh (đề xuất này chiếm 42,9% số ý kiến doanh nghiệp trả lời); hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch (chiếm 41,2% ý kiến); giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay (29,2%).