Cơn thịnh nộ từ châu Âu: Mỹ có còn là đồng minh?
Trong tuần cuối của tháng 11 này, nội bộ châu Âu đang bất đồng về việc áp giá trần dầu Nga do chính quyền Joe Biden khởi xướng. Giờ đây hết chịu nổi những bất ổn kinh tế xã hội do các lệnh trừng phạt gây ra, lần đầu tiên tập thể EU đã chĩa mũi dùi vào Washington.
“Chín tháng sau khi xâm lược Ukraine, Vladimir Putin bắt đầu chia rẽ phương Tây”.
“Các quan chức hàng đầu của châu Âu rất tức giận với chính quyền của Joe Biden và hiện cáo buộc người Mỹ kiếm bộn tiền từ chiến tranh, trong khi các nước EU phải gánh chịu hậu quả.”
Đây là dòng nhận xét đáng ngạc nhiên trên tờ Politico, đánh dấu một sự đảo chiều hoàn toàn so với sự đồng điệu của các kênh truyền thông dòng chính phương Tây trước đây về một mặt trận đoàn kết thống nhất chống Nga ủng hộ Ukraine do Mỹ đứng đầu.
Rõ ràng là các quan chức châu Âu ngày càng tỏ ra thất vọng về việc Washington từ chối thúc đẩy chính quyền Tổng thống Zelensky ngồi vào bàn đàm phán, trong khi viện trợ vũ khí trị giá hàng tỷ USD chưa từng có liên tục đổ vào Ukraine, gây nguy cơ leo thang khó lường giữa NATO và Nga.
Trong khi đó, người dân châu Âu sẽ tiếp tục là những người đầu tiên phải trả giá trong bối cảnh nhiệt độ mùa đông lạnh giá và cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đang diễn ra, bất chấp người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thề rằng sẽ hỗ trợ Ukraine tới “chừng nào còn cần thiết”.
Trong suốt thời gian đó, chính quyền Joe Biden vẫn tiếp tục tung ra các khoản trợ cấp Năng lượng Xanh gây tranh cãi của mình, vốn gây ra sự cạnh tranh bất công cho các ngành công nghiệp châu Âu vào thời điểm nhạy cảm nhất.
Một quan chức cấp cao của châu Âu đã chỉ trích chính sách của Nhà Trắng về việc sử dụng cuộc chiến Ukraine để nuôi béo các nhà thầu quốc phòng Mỹ, đồng thời làm ngơ trước những lời cầu xin của châu Âu về một số biện pháp cứu trợ năng lượng.
Politico dẫn lời một quan chức cấp cao châu Âu tuyên bố như sau: “Thực tế là, nếu bạn nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này là Mỹ vì họ đang bán nhiều khí đốt hơn với giá cao hơn, và vì họ đang bán nhiều vũ khí hơn”.
Thực tế như tờ Politico mô tả, là “các thành viên EU đang chuyển sang sử dụng khí đốt từ Mỹ – nhưng cái giá mà người châu Âu phải trả cao gần gấp 4 lần so với chi phí nhiên liệu tương tự ở Mỹ. Tiếp đến sẽ có sự gia tăng đơn đặt hàng đối với thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, khi quân đội châu Âu cạn kiệt sau khi gửi vũ khí tới Ukraine.”
Nhưng phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thì tiếp tục lặp lại quan điểm rằng, cuộc khủng hoảng này hoàn toàn do lỗi Putin gây ra, trong khi Mỹ chỉ đơn giản là tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu để đáp ứng nhu cầu “đa dạng hóa khỏi Nga”. Tất nhiên ai cũng hiểu đây là lời ngụy biện sáo rỗng của chính quyền Biden.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Mỹ bán khí đốt và xăng với giá cao cho châu Âu là không “thân thiện”, trong khi Bộ trưởng kinh tế Đức kêu gọi Washington thể hiện “sự đoàn kết” hơn và giúp giảm chi phí năng lượng.
Hiển nhiên đang một sự thay đổi lớn trong nội bộ châu Âu, phần lớn được thúc đẩy bởi lập trường cứng rắn phải ‘chiến thắng ở Ukraine bằng mọi giá’ của chính quyền Joe Biden:
Tờ Politico có đoạn viết như sau: “Những bình luận bùng nổ – được hỗ trợ công khai và riêng tư bởi các quan chức, nhà ngoại giao và bộ trưởng ở những nơi khác – theo sau sự tức giận ngày càng tăng ở châu Âu về các khoản trợ cấp của Mỹ có nguy cơ phá hủy ngành công nghiệp châu Âu. Điện Kremlin có thể sẽ hoan nghênh bầu không khí bất hòa giữa các đồng minh phương Tây.
“Chúng ta thực sự đang ở một thời điểm lịch sử”, quan chức cấp cao của EU cho biết, lập luận rằng tác động kép của gián đoạn thương mại do trợ cấp của Mỹ và giá năng lượng cao có nguy cơ khiến dư luận chống lại cả nỗ lực chiến tranh lẫn liên minh xuyên Đại Tây Dương. “Mỹ cần nhận ra rằng dư luận đang thay đổi ở nhiều nước EU.”
Tất nhiên các quan chức ở cả châu Âu và Mỹ đều đồng ý với nhau rằng, các cuộc cãi vã giữa họ chính là điều mà Tổng thống Putin mong muốn.
Tuy nhiên, mọi tranh chấp, kiềm chế đã bắt đầu nổ tung khi Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Biden – thực chất là một gói thuế khổng lồ trị giá 369 tỷ đô la nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp Xanh, đã gây ra sự hoảng loạn toàn diện trên khắp các thủ đô châu Âu.
Vụ việc cao trào đến mức khiến một nhà ngoại giao EU phải thốt lên: “Washington có còn là đồng minh của chúng ta hay không?”.
Cơn thịnh nộ đang gia tăng này có thể tràn ra đường phố khi nhiều hộ gia đình châu Âu có thể bị thiếu điện và thiếu khí đốt sưởi ấm trong mùa đông này và chính vì vậy đã làm gia tăng thêm áp lực đối với các chính trị gia EU.
Mâu thuẫn giữa châu Âu và Mỹ bắt đầu trầm trọng đến mức, ngay cả quan chức đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, vốn luôn ủng hộ Mỹ cũng có dấu hiệu mất niềm tin vào những nỗ lực ‘đoàn kết’ để hỗ trợ Ukraine. Ông này tuyên bố: “Người Mỹ – bạn bè của chúng tôi – đưa ra các quyết định có tác động kinh tế đối với chúng tôi.”
Trong khi ấy, Cao ủy Châu Âu về Thị trường Nội địa, ông Thierry Breton cho biết trên kênh truyền hình Pháp hôm 23/11 rằng, “Hoa Kỳ bán cho chúng tôi khí đốt của họ với hiệu ứng nhân lên gấp bốn lần khi chúng chuyển qua Đại Tây Dương,” “Tất nhiên người Mỹ là đồng minh của chúng tôi… nhưng khi có vấn đề gì xảy ra thì giữa các đồng minh cũng cần phải nói ra điều đó.”
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire tuần này thậm chí còn cáo buộc Mỹ đi theo con đường chủ nghĩa cô lập kinh tế của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Brussels nhân rộng cách tiếp cận như vậy.
Có thể nói, mặt trận đoàn kết thống nhất chống Nga ủng hộ Ukraine giữa châu Âu và Mỹ hiện giờ được ví như một mặt băng đang chịu các cú đập mạnh, khiến mặt băng rạn nứt nhanh chóng…
Có thể bạn quan tâm: