Đây không phải lời của một giáo chức Công giáo, mà là cảnh báo của người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Điều đó cho thấy tính cấp bách toàn thế giới đang đối mặt trong lúc dịch viêm phổi Vũ Hán lan rộng.

Theo BBC, ông David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) lên tiếng khẩn thiết rằng, thế giới cần có hành động khẩn cấp để tránh thảm họa.

Báo cáo của WFP chỉ ra rằng, số người đói có thể tăng từ 135 triệu đến hơn 250 triệu. Những người có nguy cơ cao nhất ở các quốc gia Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Venezuela, Ethiopia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Nigeria và Haiti.

Tại Nam Sudan, 61% dân số bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực năm ngoái, báo cáo cho biết.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, một phần của Đông Phi và Nam Á đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng do hạn hán và nạn châu chấu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo đánh giá của David Beasley, thì đây sẽ là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

“Trong vòng vài tháng ngắn ngủi, chúng ta có thể phải đối mặt với hàng loạt nạn đói có ở quy mô như được đề cập trong Kinh Thánh,” ông nói.

 “Sự thật là chúng ta không đủ thời gian nữa”, Beasley nói và kêu gọi mọi người hãy hành động.

Vẫn trên BBC, chuyên gia kinh tế cấp cao của WFP, Arif Husain, cho biết tác động kinh tế của đại dịch có thể là thảm họa đối với hàng triệu người mà cuộc sống của họ vốn đã “chỉ mành treo chuông”. Theo ông, phong tỏa và suy thoái kinh tế toàn cầu đã bóp nghẹt túi cơm của họ.
“Chỉ cần một cú sốc nữa – như Covid-19 – để đẩy họ khỏi bờ vực. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để giảm thiểu tác động của thảm họa toàn cầu này.”