Một cán bộ CSGT TP.HCM cho biết với quy trình cấp BSX hiện nay thì “không thể can thiệp được”.

Theo thông tin từ Thanh Niên, cuối năm 2019, một phụ nữ ngụ Q.7 (TP.HCM) bấm được BS 999.99 cho chiếc BMW 330i (trị giá gần 2,4 tỷ đồng), sau đó đã bán cho một doanh nhân cũng ở Q.7 với giá 6 – 7 tỷ đồng.

Không những thế, thời gian gần đây, trên mạng xã hội lưu truyền nhiều trường hợp mẫu ô tô hạng B, C nhưng sau khi bấm số ngẫu nhiên được biển số xe (BSX) ngũ quý thì chủ xe rao bán với giá gấp 3 – 4 lần giá trị chiếc xe. Điển hình, anh T.H.A (ngụ Bình Dương) bấm được biển số (BS) 666.66 cho chiếc xe Mazda 3 (khoảng 700 triệu đồng), ngay sau đó bán cho một người khác với giá khoảng 2 tỷ đồng. Một trường hợp khác ở TP.HCM, sau khi chủ xe bấm được BS 888.88 cho chiếc Kia Cerato (khoảng 600 triệu) đã rao bán lại xe với giá 3 tỷ đồng.

Không chỉ ô tô, BS đẹp xe máy cũng được giao dịch với giá cao ngất ngưởng. Anh Hậu (36 tuổi, ngụ Đồng Tháp) hiện đang có trong tay vài chục chiếc xe có BS đẹp (tứ quý, ngũ quý, số liền kề tiến lên)… của nhiều tỉnh, thành, với giá trị hàng chục tỷ đồng, cho biết việc bỏ ra số tiền lớn mua những xe này là để thỏa mãn đam mê.

Anh Hậu chia sẻ: “Nhiều chiếc xe có BS đẹp tôi phải mua với giá gấp 3, 4 lần giá trị thật của xe. Đã có những chiếc xe máy trong bộ sưu tập được đề nghị với giá 700 triệu đồng nhưng tôi chưa muốn bán”.

Vậy có thể can thiệp để lấy BS đẹp?

Trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ CSGT TP.HCM cho biết với quy trình cấp BSX hiện nay thì “không thể can thiệp được”.

Vị CSGT này nói: “Cái này là đường truyền từ Cục CSGT Bộ Công an truyền qua cáp quang chuyển về đây. Những BSX đang chờ bấm chúng tôi cũng không thể xem được, chỉ biết số lượng BS thôi. Vì cái này admin ngoài Cục CSGT quản lý. Cán bộ chỉ thao tác trên máy tính, muốn coi cái gì, làm gì, cũng được phân định rõ ràng. Các thao tác của cán bộ trên máy tính đều được lưu lại và truyền về Cục CSGT, nên cán bộ làm bất cứ cái gì trên máy tính, ngoài Cục CSGT đều biết”.