Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường đề xuất bỏ sổ hồng bằng giấy, tích hợp vào căn cước công dân để thuận tiện quản lý; đồng thời góp phần minh bạch hóa dữ liệu đất đai trong thời đại số.

Số hóa sổ hồng để tiến tới chính phủ điện tử

Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM vừa gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường; đề xuất bỏ sổ hồng bằng giấy và chuyển sang hình thức điện tử, tích hợp vào căn cước công dân.

Theo Viện, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc cách mạng số, việc chuyển đổi này là tất yếu. Việc số hóa “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” không chỉ góp phần hoàn thiện dữ liệu nền cho quản lý Nhà nước; mà còn giúp tăng cường minh bạch, chống làm giả sổ hồng, giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Viện cho rằng, giải pháp này phù hợp với các quy định trong Luật Đất đai 2024 về hệ thống thông tin quốc gia và cơ sở dữ liệu đất đai, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa quản lý và tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến bất động sản.

Kiến nghị điều chỉnh cách tính tiền sử dụng đất

Bên cạnh đề xuất số hóa sổ hồng, Viện cũng bày tỏ lo ngại về cách tính “tiền sử dụng đất” theo quy định mới; đặc biệt là sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Mức thu hiện tại tăng đột biến, gấp nhiều lần so với trước đây; khiến người dân ngại chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Một số địa phương đã ghi nhận trường hợp tiền sử dụng đất cao gấp gần 20 lần so với cách tính cũ theo Luật Đất đai 2013. Nguyên nhân được xác định là do bất cập trong công thức tính quy định tại Nghị định 103; đặc biệt là yếu tố tỷ lệ phần trăm trong hệ số K không được áp dụng thống nhất; gây ra sự chênh lệch lớn và khó khăn cho các địa phương trong việc dự toán thu ngân sách.

Theo Viện, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn gây áp lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong các quý cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân

Từ những bất cập nêu trên, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại nội dung Nghị định 103, điều chỉnh cách tính tiền sử dụng đất theo hướng minh bạch, hợp lý; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân.

Đồng thời, việc cải cách thủ tục và số hóa tài liệu pháp lý như sổ hồng sẽ là bước tiến lớn giúp thị trường bất động sản minh bạch, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế tư nhân – mục tiêu mà Nghị quyết 68 đã đặt ra.

Theo: Dantri