Theo Thanh Niên, nhiều trường Đại Học (ĐH) đã hoàn tất việc xét tuyển và xác nhận nhập học bằng các phương thức khác nhau như xét học bạ, xét điểm thi, năng lực…

Các trường sẽ chốt các con số về chỉ tiêu, điểm sàn và đưa ra những dự báo điểm chuẩn các ngành theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2020, điểm chuẩn tăng mạnh

Pháp Luật dẫn tin từ Bộ GD&ĐT về điểm thi tốt nghiệp THPT và phổ điểm năm 2020, theo đó điểm chuẩn, điểm trung bình tăng mạnh.

Cụ thể, điểm trung bình tổ hợp toán, vật lý, hóa học là 21,46, tăng 3,73 điểm so với năm 2019. Điểm trung bình tổ hợp toán, hóa học, sinh học tăng từ 16,85 lên 20,36. Tổ hợp ngữ văn, lịch sử, địa lý tăng từ 15,64 lên 18,5 điểm. Điểm trung bình tổ hợp toán, vật lý, tiếng Anh tăng từ 17,39 lên 20,07.

Trong đó, tổ hợp toán, vật lý, hóa học có 4.375 bài thi đạt mức 27 điểm, tăng gấp 14 lần so với năm 2019. Ở tổ hợp ngữ văn, lịch sử, địa lý, số em trên 27 điểm tăng 12 lần năm 2019. Mức tăng lớn nhất nằm ở tổ hợp toán, ngữ văn, tiếng Anh khi tăng gấp gần 20 lần năm ngoái về số em trên 27 điểm…

3146-screen-shot-2020-09-13-at-114641-am
Ảnh chụp màn hình từ Thanh Niên.

Dự báo điểm chuẩn từ chuyên gia

Từ phổ điểm năm nay, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định điểm chuẩn ĐH, đặc biệt các trường tốp đầu sẽ tăng mạnh.

Theo ông Dũng, mỗi môn sẽ tăng trung bình 1 điểm so với năm 2019. Theo đó, tổ hợp xét tuyển ba môn cộng lại sẽ tăng ít nhất 3 điểm. Riêng khối D, điểm tiếng Anh tăng nhẹ, điểm xét tuyển khối D có thể không tăng cao như các khối còn lại.

Ông Dũng cũng dự báo mức tăng điểm chuẩn của các ngành “hot” và trường tốp đầu có thể tăng cao hơn 3 điểm. Các nhóm ngành như y – dược, khối công an, quân đội, sẽ có điểm chuẩn từ 29 trở lên. Các ngành “hot” của Bách khoa, Ngoại thương, Sư phạm kỹ thuật có thể từ 27 điểm trở lên.

Cùng chủ đề này, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM dự đoán chuẩn các trường xét khối truyền thống như A00, B00, A01, D01 sẽ tăng từ 1-5 điểm so với năm ngoái, khối tăng ít sẽ là A01, D01. Các trường Kinh tế, Y Dược, Bách khoa TP. HCM… có thể tăng điểm ở nhiều ngành.

Riêng tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM, mức điểm sàn sẽ là 15-20 điểm. Nhóm ngành như công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế… có thể tăng 1-3 điểm, các ngành khác có thể ngang năm 2019.

Một số trường ĐH phía Bắc có dự báo điểm chuẩn năm nay tuỳ ngành có thể tăng 1-3 điểm. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, chỉ tuyển 60% chỉ tiêu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm nay. Điểm chuẩn các ngành sẽ tăng 1-3 điểm so với năm 2019.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có dự báo nhóm ngành tốp đầu sẽ tăng 0,5-1,5 điểm. Điểm chuẩn có thể tăng mạnh ở nhóm ngành tốp dưới hoặc trung ở mức 2-3 điểm.

Quy định của GD&ĐT

Bộ GD&ĐT quy định, trước ngày 8/9, các trường ĐH phải công bố điểm xét tuyển. Trước ngày 7/9, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn chất lượng đầu vào cho nhóm ngành sức khỏe, sư phạm.

Sau khi có điểm sàn, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển một lần, từ ngày 9-18/9.

Thí sinh được điều chỉnh NV xét tuyển theo một trong hai phương thức là trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh.

Đối với cách thức điều chỉnh NV trực tuyến, thời gian dự kiến từ ngày 9/9 đến 17h ngày 16/9.

Tuy nhiên, điều chỉnh NV bằng phiếu điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển, thời gian dự kiến từ ngày 9/9 đến 17h ngày 18/9.

Gần 200 học sinh trường THPT ở Phú Quốc bỗng trúng tuyển đại học; Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc CDC Hà Nội
Bằng bác sĩ giả giá chỉ 3 triệu đồng