Điểm tin 24h ngày 29/4: Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa, Trung Quốc xua đuổi
Kính chào quý vị và các bạn đến với bản tin cập nhật thời sự trong nước và quốc tế. Bản tin hôm nay, ngày 29/4 có những nội dung sau:
Nội dung chính
Tin tại Việt Nam
- Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa, Trung Quốc xua đuổi
- Việt Nam 13 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới, 9 ca tái dương tính.
- Việt Nam và Anh đang phối hợp nghiên cứu điều trị Covid-19 bằng thuốc trị sốt rét.
Tin thế giới:
- Mỹ, Hàn đưa 6 phi cơ do thám Triều Tiên giữa tin đồn sức khỏe ông Kim
- CDC Mỹ bổ sung 6 triệu chứng mới của Covid-19
- Tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin nghiên cứu virus Corona của Mỹ
- Chuyên gia phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán trốn ra nước ngoài, nguồn gốc virus có được tiết lộ?
Và sau đây là nội dung chi tiết:
Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa, Trung Quốc xua đuổi.
Giới chức Hải quân Mỹ nói với trang tin USNI News ngày 28/4 rằng, tàu khu trục USS Barry đã thực hiện hoạt động tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Thông tin trên được đưa ra cùng thời điểm giới chức Trung Quốc thông báo về sự xuất hiện của một tàu chiến Mỹ tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Hải quân Trung Quốc đã triển khai lực lượng hải quân và không quân “theo dõi, giám sát, xác thực, nhận dạng và xua đuổi” một tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển Hoàng Sa.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, tàu Mỹ bị Trung Quốc cảnh báo là tàu khu trục USS Barry.
Mặc dù thông báo của Trung Quốc cho biết quân đội nước này buộc tàu USS Barry phải rời khỏi Hoàng Sa, song một quan chức Hải quân Mỹ nói với USNI News rằng, hoạt động của tàu Mỹ vẫn diễn ra như kế hoạch mà không phải đối mặt với hành vi thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp nào từ các máy bay hay tàu chiến Trung Quốc.
Trước đó, truyền thông Đài Loan đưa tin tàu USS Barry của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan 2 lần trong tháng này. Trong cả 2 lần, các tàu chiến của Trung Quốc đều bám sát tàu Mỹ.
Việt Nam 13 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới, 9 ca tái dương tính.
Theo cập nhật lúc 6h sáng 29/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trong vòng 12 giờ qua Việt Nam không có ca mắc mới. Và cũng là ngày thứ năm không có ca nhiễm mới được ghi nhận.
Tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến nay, cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam hiện có tổng số ca mắc vẫn là 270. Tại TP.HCM ngày 28/4 phát hiện một ca dương tính trở lại với Covid-19 sau khi ra viện, đưa tổng số ca dương tính lại trên cả nước lên 9 ca.
Hiện tổng số trường hợp được điều trị khỏi bệnh, ra viện là 221; 49 người đang điều trị, trong đó 8 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Corona chủng mới từ 2 lần trở lên.
Việt Nam và Anh đang phối hợp nghiên cứu điều trị Covid-19 bằng thuốc trị sốt rét.
Theo thông cáo của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam ngày 28/4 cho biết, Bộ Y tế Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford đang phối hợp đánh giá tính an toàn và hiệu quả trong việc dùng thuốc trị sốt rét để điều trị Covid-19.
Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford, nói: “Nếu nghiên cứu này chứng minh chloroquine là một phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả, nó có thể được triển khai để điều trị cho hàng triệu người khắp thế giới ở mọi mức thu nhập, với chi phí hợp lý.”
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhận định phương pháp điều trị Covid-19 bằng thuốc chloroquine có thể giúp làm chậm đại dịch toàn cầu và giảm thời gian chữa trị tại bệnh viện.
Trước đó, ngày 8/4, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chủ trì nghiên cứu đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc dùng thuốc chloroquine điều trị Covid-19.
Ngày 29/3, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã trở thành cơ quan y tế đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng thuốc sốt rét để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Tin thế giới:
Mỹ, Hàn đưa 6 phi cơ do thám Triều Tiên giữa tin đồn sức khỏe ông Kim
Hôm 27/4, Lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã triển khai 6 máy bay trinh sát để do thám Triều Tiên, giữa lúc có những đồn đoán về tình trạng sức khỏe nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Theo Chosun Ilbo, một nguồn tin quân đội cấp cao tại Hàn Quốc cho biết Mỹ đã triển khai 3 máy bay RC-12, một máy bay E-8C Joint STARS và một máy bay EO-5C Crazy Hawk.
RC-12 và EO-5C là các máy bay có khả năng nghe lén, cho thấy họ có thể đang cố thu thập thông tin, dữ liệu về sức khỏe của ông Kim Jong Un từ Bình Nhưỡng hoặc Wonsan, nơi ông được cho là đang lưu trú.
Seoul không nói phía Hàn Quốc triển khai máy bay nào, nhưng có thể cũng là một máy bay do thám tình báo.
Tuy vậy, Nhà Xanh tiếp tục bác bỏ tin đồn về tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên hôm 26/4, khi một cố vấn cấp cao của Tổng thống Moon Jae In nói ông Kim “vẫn khỏe mạnh”.
Chuyển sang một số tin về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới
Theo thống kê trang worldometers, tính đến ngày 29/4, toàn thế giới đã ghi nhận 3.138.115 ca nhiễm COVID-19, 217.970 ca tử vong và 955.770 ca hồi phục.
CDC Mỹ bổ sung 6 triệu chứng mới của Covid-19
Theo Fox News vào ngày 27/4, những triệu chứng của bệnh Covid-19 mà trước đây công bố trên trang web của CDC bao gồm sốt, ho, khó thở hoặc thở gấp; nhưng hiện nay CDC đã thêm 6 triệu chứng mới bên cạnh các triệu chứng được ghi nhận trước đây: đó là “ớn lạnh, rét run và không ngừng run rẩy, đau cơ, nhức đầu, đau họng và mất vị giác hoặc khứu giác”.
CDC lưu ý rằng bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng trong vòng 2 – 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus gây Covid-19.
Trong bản danh sách mở, CDC đã chỉ ra rằng, nếu gặp khó thở, đau dai dẳng hoặc tức ngực, chóng mặt hoặc cơ thể như không có sức lực đến mức có thể khiến môi hoặc mặt biến sắc thì hãy lập tức đi khám sức khỏe.
Tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin nghiên cứu virus Corona của Mỹ
Bắc Kinh đang tìm cách thu thập thông tin về tiến trình phát triển vaccine phòng ngừa virus Corona, tổ chức tấn công hệ thống mạng của các bệnh viện và cơ sở nghiên cứu của Hoa Kỳ.
Hành động này của Trung Quốc đã được ông John C. Demers, Trợ lý Tổng chưởng Lý về An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ xác nhận. Hôm 23/4, ông Demers có bài phát biểu khai mạc hội nghị kinh doanh qua mạng do Future in Review tổ chức.
Sau khi ông Demers kết thúc bài phát biểu, báo giới đã hỏi ông về việc có phải Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu tấn công hệ thống mạng các phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ để đánh cắp thông tin nghiên cứu virus Corona hay không. Ông Demers trả lời: “Chắc chắn đó chính là kết luận hợp lý của tất cả những gì tôi vừa nói”. Ông Demers cũng đưa ra những bình luận về nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ của hàng loạt ngành công nghiệp Mỹ.
Ông Demers cũng cho biết sẽ “hết sức vô lý” nếu cho rằng Trung Quốc “dừng” nghiên cứu về y sinh học liên quan đến vaccine hoặc thuốc điều trị virus Corona, vì thông tin y tế sẽ “rất quan trọng, không chỉ ở khía cạnh thương mại”.
“Các công ty hay phòng thí nghiệm nghiên cứu của bất cứ quốc gia nào cũng đều ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển loại vaccine này; thành công của họ sẽ là thành công quan trọng về địa chính trị”, ông Demers nhận xét.
Chuyên gia phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán trốn ra nước ngoài, nguồn gốc virus có được tiết lộ?
Cựu Chiến lược gia Nhà trắng, cố vấn cao cấp của tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Banon tiết lộ một nhân viên nghiên cứu cao cấp của phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán đã trốn ra nước ngoài, dự kiến sắp tới sẽ tiết lộ sự thật về virus Corona Vũ Hán.
Ngày 24/4, trong chương trình Situation Room của Đài TVBS, ông Steve Banon cho biết: Có thể trong vài ngày tới sẽ có một nhân chứng quan trọng tiết lộ một số nội tình mà người này biết rõ, liên quan tới Viện nghiên cứu virus Vũ Hán (Phòng thí nghiệm P4).
Ông nói: “Chúng ta biết rằng việc virus đến từ Phòng thí nghiệm Vũ Hán đã được đề cập đến từ rất lâu rồi, số người có nhận định như vậy không ít. Hiện tại có người biết được tình hình nội bộ bên trong phòng thí nghiệm xuất hiện, tôi tin rằng rất nhiều người sẽ hứng thú với việc này. Hiện tại đang chờ thời điểm nhân viên nghiên cứu đó công bố với mọi người.”