Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công nhận Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đạt chuẩn của tổ chức này sau 5 lần thẩm định đánh giá nghiêm ngặt. Bộ kit xét nghiệm Việt sẽ được xuất khẩu và lưu hành trên nhiều quốc gia.

Bộ xét nghiệm do Học viện Quân y phối hợp Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu và sản xuất. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước về chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới do Bộ KH&CN phê duyệt và cấp vốn.

Ngày 26/4, VietNamNet dẫn tin từ Bộ KH-CN cho biết Tổ chức Y tế thế giới WHO vừa có thư thông báo chính thức chấp nhận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam theo Quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00. Quá trình đánh giá bộ kit được thực hiện một cách nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ và không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.

Kit xét nghiệm của Việt Nam được đánh giá có chất lượng tương đương kit của WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ về độ nhạy, độ đặc hiệu và tính ổn định, thích hợp với nhiều loại thiết bị xét nghiệm.

Các thử nghiệm được tích hợp chỉ cần một phép thử, ít bước xét nghiệm nên tránh nhiều thao tác dẫn đến rút ngắn thời gian và kết quả chính xác. Chi phí quá trình nghiên cứu kit đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ nên hiện giá chỉ còn 400.000-600.000 đồng/bộ, rẻ hơn các bộ kit nhập khẩu. 

Trước đó, ngày 21/4, Zing đưa tin Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cũng cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam. Theo Luật Dược phẩm EU, bộ kit này sẽ được lưu hành ở 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.

Ngay sau đó một đối tác đặt mua độc quyền Bộ kit Việt Nam để phân phối tại Vương quốc Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia châu Âu với số lượng ít nhất 1 triệu test/tháng.

Dù đánh giá của WHO đối với bộ kit Việt không phải là cấp phép lưu hành nhưng theo Bộ KH&CN, việc được WHO chấp thuận sẽ giúp sản phẩm dễ dàng được xuất khẩu sang các quốc gia khác. Ngân hàng Thế giới, Quỹ Sáng kiến ​​tiếp cận sức khỏe của bà Clinton (CHAI) và một số tổ chức khác dự kiến sẽ mua sản phẩm này để đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên toàn thế giới.