Giới phân tích đánh giá Trung Quốc đang bước vào giai đoạn căng thẳng, nguy hiểm nhất của mùa lũ nhưng truyền thông nước này không hẳn tin vào điều đó.

Nói trên đài Channel News Asia ngày 21/7, GS.Asit K Biswas (Đại học Glasgow ở Anh) và Tiến sĩ Cecilia Tortajada  (Đại học quốc gia Singapore) nhận định rằng, trận lũ vừa qua ở Trung Quốc đạt đến quy mô của trận lũ lịch sử ở khu vực trung lưu và hạ lưu sông Trường Giang vào năm 1998. Tuy nhiên, giai đoạn nguy hiểm nhất của đợt lũ lụt tại Trung Quốc năm nay có thể còn nằm ở phía trước. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các trận lũ lớn thường nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc trong khoảng cuối tháng 7 tới giữa tháng 8.

Nhưng nhiều phát ngôn từ hệ thống truyền thông nhà nước Trung Quốc tin rằng, lũ lụt không nghiêm trọng như những gì mọi người đang nói. Một ví dụ cụ thể, hôm 14/7, người dùng mạng Twitter 韩连潮 @lianchaohan đã đăng lại video của MC Mỹ Đằng (Mei Teng) thuộc kênh Tài Chính Lam Sơn đoạn nói về lũ lụt đang xảy ra. Nữ MC này nói: “Vì sao đã xây nhiều đập thế này, mà nước lũ lại ngày càng nghiêm trọng, đây là do trên mạng đã biến đổi, mạng internet khiến cho thông tin lũ lụt liên tiếp truyền đến điện thoại của bạn, khiến cho bạn ảo giác rằng lũ ngày càng nghiêm trọng”.

Theo tờ Vison Times, Mỹ Đằng còn nhấn giọng: “Toàn quốc gấp rút chi viện Vũ Hán ra sao? Quân giải phóng đã lên đê ra sao? Vũ Hán có phải tất cả đều bình thường rồi sao? Điều này nói rằng chúng ta có lòng tin.” Cô còn nói: “Đứng trước trận lũ dự kiến là lớn nhất trong lịch sử này, không còn cần đến người tiếp tục hộ đê, ngược lại mọi người còn có thể ở bên bờ sông du ngoạn quang cảnh”.

videoinfo__video.tin360.tv||1e4549566__

Ad will display in 09 seconds

Một ví dụ khác vào ngày 21/7, tài khoản công khai của Thông tấn xã huyện Bà Dương thuộc Đảng ủy Bà Dương đã đăng một bài báo có tựa đề “Lũ lụt không phải là một điều hoàn toàn xấu”.

Cho rằng lũ lụt đã phá hủy nhà cửa, tàn phá kinh tế và ảnh hưởng hoạt động, sinh hoạt hàng ngày, song bài báo vẫn chủ yếu ca ngợi ý chí chiến đấu “đấu với trời đấu với đất”. Từ đó, bài viết kết luận: “Cái xấu của lũ lụt không phải hoàn toàn là xấu, nó cũng đã thúc đẩy việc tốt, bạn có thể nói nó là việc hoàn toàn xấu được sao?”

Bài viết khẳng định thảm họa đã tạo nên nhiều câu chuyện cảm động trời đất, ca ngợi cái gọi là “cùng nhau vượt qua khó khăn” và “tinh thần chiến đấu chống lũ”. Theo Đài phát thanh Sound of Hope, bài báo này sau đó đã bị gỡ bỏ bởi sự phản ứng giận dữ của nhiều người dân cho rằng, nó quá lố bịch và đang “làm thơ trên sự đau khổ của người dân”.