Trong cuộc chiến chống lại Nga, Liên minh châu Âu chưa bao giờ tỏ ra chia rẽ, thiếu sự đồng thuận như trong những ngày qua. Lẽ ra kế hoạch áp giá trần dầu Nga đã gần như thành công… cho đến khi Ba Lan phá hỏng.

Các cuộc đàm phán về mức trần giá dầu Nga đã kết thúc trong bế tắc hôm 25/11, mặc dù hầu hết các quốc gia châu Âu đã thống nhất với mức trần đề xuất là 65 đô la, nhưng Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã phản đối.

Một số lãnh đạo EU hy vọng rằng sự phản đối này của Ba Lan chỉ là để nhằm phô trương vị thế của nước này trên đấu trường châu Âu, và vào cuộc họp tiếp theo vào thứ Hai (ngày 28/11), người Ba Lan sẽ nhượng bộ. 

Tuy nhiên, mọi hy vọng đã vỡ vụn khi các chính phủ Liên minh châu Âu một lần nữa bất đồng về mức giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, vì Ba Lan một lần nữa khẳng định rằng mức trần phải được đặt thấp hơn mức đề xuất của G7 để cắt giảm nguồn thu từ năng lượng của Moscow, theo Reuters.

Các nhà ngoại giao cho biết, vẫn chưa ấn định ngày đàm phán mới, mặc dù một kết quả tồi tệ hơn nhiều có thể chờ đợi châu Âu. Cần lưu ý là, cơ chế giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12. Và nếu cho tới ngày hôm đó EU vẫn không đạt được sự đồng thuận vào thứ Hai tới tức là ngày 5/12,  EU sẽ thực hiện các biện pháp khắc nghiệt hơn đã được thống nhất vào cuối tháng 5. Đó là lệnh cấm đối với tất cả dầu thô nhập khẩu của Nga từ ngày 5/12 tới này và đối với các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 5/2 năm sau.

Đó sẽ là một kịch bản thực sự thảm khốc với nền kinh tế thế giới, và có thể nhanh chóng đẩy giá dầu tăng phi mã. Cần chú ý là, ngay cả khi Ba Lan cương quyết phá đám đến cùng, thì Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác đã được EU miễn trừ khỏi lệnh cấm đối với việc nhập khẩu khí đốt từ Nga. 

Trong khi Chính phủ Ba Lan tỏ ra cứng rắn chống Nga đến cùng thì ngay cả nhóm các quốc gia trong G7 cũng đã đề xuất một phiên bản nhẹ nhàng hơn của lệnh cấm của EU, nhằm giữ ổn định nguồn cung dầu cho nền kinh tế toàn cầu.

G7 đề xuất rằng EU và các khách hàng toàn cầu khác tiếp tục được phép mua dầu thô của Nga, nhưng chỉ khi giá dầu này bằng hoặc thấp hơn mức đã thỏa thuận của G7. 

G7 đã đề xuất mức trần 65-70 đô la một thùng, trong khi Mỹ đề xuất 60 đô la/thùng, nhưng Ba Lan cho rằng mức giá này sẽ không ảnh hưởng đến túi tiền của Điện Kremlin vì dầu thô của Nga đã giao dịch dưới mức 63,5 đô la/thùng, và khi giá dầu trượt dốc trong tuần qua, giá dầu Nga đã giảm xuống trong một khoảng thời gian ngắn dưới 60 đô la/thùng.

Với chi phí sản xuất của Nga ước tính khoảng 20 đô la đến 50 đô la/thùng, Moscow có lợi nhuận rất lớn từ việc xuất khẩu dầu của mình. Ba Lan, Litva và Estonia đã ủng hộ mức trần giá dầu Nga là 30 USD/thùng.

Bất chấp các thành viên còn lại của EU đe nẹt sẽ lật ngược sự phản đối của Ba Lan, chính phủ Ba Lan càng cho thấy quyết tâm của nước này càng trở nên thêm cứng rắn. 

Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Người Ba Lan hoàn toàn kiên quyết về giá cả, không đề xuất một giải pháp thay thế chấp nhận được”. “Rõ ràng là có sự khó chịu ngày càng tăng trong cộng đồng EU với Ba Lan”.

Điều mỉa mai là, trong khi các quan chức EU tỏ ra khó chịu với sự phá đám của Ba Lan, thì chính nước này mới là quốc gia đang tuân thủ đúng mục tiêu tôn chỉ giá trần đã được bà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhào nặn ra: Đó chính là để bóp nghẹt lợi nhuận từ dầu mỏ của Nga nhằm chặn đứng nguồn tài chính nuôi cỗ máy quân sự của Nga tại Ukraine, trong khi vẫn không làm ảnh hưởng nguồn cung năng lượng cho thế giới.

Tuy nhiên điều đó lại càng cho thấy đức hạnh giả tạo của phương Tây trong việc lấy cớ là bảo vệ “nền dân chủ” Ukraine, nhưng phía sau hậu trường, cả Mỹ và EU vẫn ráo riết thu mua dầu, khi đốt của Nga thông qua các lái thương trung gian là Ấn Độ và Trung Quốc. 

Lưu ý là Nga cung cấp tới 10% lượng dầu của thế giới, và không một chuyên gia kinh tế nào dám tưởng tượng đến viễn cảnh 10% lượng dầu này bị loại bỏ ra khỏi thị trường năng lượng thế giới vào ngày 5/12 thì sẽ như thế nào. Mục tiêu của biện pháp áp giá trần là giữ nguồn dầu Nga tiếp tục lưu thông trên thị trường, trong khi hạn chế số tiền mà Moskva có thể kiếm được từ những thùng dầu đó. 

Mặc EU đang tranh cãi, Nga vẫn đang tăng cường bán dầu của mình cho Trung Quốc và Ấn Độ, và một cách lặng lẽ nguồn dầu Nga này lại quay ngược trở lại châu Âu, và dần dần tái bình thường hóa thị trường dầu mỏ đang bị rạn nứt, nơi Ấn Độ và Trung Quốc được hưởng mức chiết khấu 25% từ Nga, trong khi phần còn lại của thế giới phải trả phí bảo hiểm như một khoản bù đắp.

Xét cho cùng Nga vẫn đang tiếp tục giành được lợi thế trên mọi mặt trận.

Có thể bạn quan tâm: