15h chiều ngày 21/2, liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần, mỗi lít xăng tăng 960 đồng.

Mỗi lít xăng E5 RON 92 là 25.530 đồng một lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng một lít (đắt thêm 960 đồng).

Như vậy, qua lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 26.000 đồng một lít với RON 95 – vượt mức “đỉnh” vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít), và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây, theo VnExpress.

Không chỉ xăng, giá mặt hàng dầu cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel có giá 20.800 đồng/lít, tăng 940 đồng. Dầu hỏa có mức giá 19.500 đồng một lít, tăng 750 đồng. Đây là kỳ tăng giá thứ 5 liên tiếp kể từ cuối tháng 12/2021. 

Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính – Công Thương trích quỹ bình ổn với xăng RON 95 ở mức 100 đồng/lít, dầu mazut 0 đồng. Trong khi đó, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, dầu hỏa 0 đồng và dầu diesel là 300 đồng/lít.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước tăng theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Hiện, mỗi lít xăng đang phải “gánh” khoảng 11.000 đồng tiền thuế phí, chiếm khoảng 43% giá bán lẻ xăng. Tương tự với mặt hàng dầu, các khoản thuế phí cũng chiếm hơn 20%.

Do đó, để giảm tác động trực tiếp của việc tăng giá xăng dầu, các chuyên gia nhận định cần xem xét phương án giảm thuế, phí để từ đó giảm giá bán lẻ.

Việc giá xăng dầu đồng loạt tăng cao liên tiếp không chỉ tác động đến đời sống người dân mà ngay chính những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cũng gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại sau kỳ điều chỉnh hôm nay thì chiết khấu vẫn rất thấp, có thể ở mức 0 đồng, càng bán càng lỗ. Tình trạng bán hàng nhỏ giọt trước kỳ điều chỉnh vừa qua lại tiếp tục tái diễn. Tại TP.HCM, nhiều cây xăng đã xuất hiện tình trạng ngưng bán vì thiếu hàng.