Cách gọi F0, F1 có thể gây cảm giác kì thị và không còn phù hợp, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vnexpress, ông Nhung cho rằng tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ diễn biến “khả quan” nếu tuân thủ các điều kiện.

TS Nhung nói: “Tại Việt Nam, tôi cho rằng tình hình dịch cũng sẽ diễn biến theo chiều hướng khả quan với điều kiện cần thiết, nghĩa là Covid-19 sẽ không bùng phát thành đại dịch, khi chúng ta thực hiện tốt theo đúng Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh.”

Ông cho rằng: “Hiện nay, chúng ta tránh dùng từ F0, F1. Gọi như vậy không còn phù hợp nữa vì có thể tạo ra tư tưởng kỳ thị, mặc cảm trong xã hội. Ai nhiễm virus thì là gọi là người nhiễm, vì nhiễm chưa chắc đã bị bệnh do người dân đã tiêm vaccine, không có triệu chứng.”

Tiến sĩ cho rằng hiện nay 90-95% người nhiễm Covid-19 là ở dạng nhẹ và không triệu chứng. Vì vậy, những người này cần được cách ly điều trị tại nhà khi đủ điều kiện và tại trạm y tế lưu động nếu không đủ điều kiện. Trường hợp 5-10% ở thể nặng thì mới nhập viện.

Mới đây, Bộ Y tế đã rà soát và điều chỉnh lại định nghĩa về F0, F1. Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo quy định mới, người sống cùng nhà, người di chuyển trên cùng xe cộ, cùng nhóm làm việc, du lịch, vui chơi… với F0 nhưng không bị coi ca F1. Chỉ xác định F1 khi người này có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp da, cơ thể…) với F0 trong thời kỳ lây truyền của ca nhiễm.