Nhãn xuồng cơm vàng của nông dân huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang vào mùa thu hoạch nhưng do dịch Covid-19 thương lái không đến mua, dẫn đến tình trạng gần 1.400 tấn nhãn tồn đọng, ế ẩm nhà vườn đang chờ “giải cứu”.

Nông dân lo mất trắng vì giá chỉ còn 1/3 vẫn không ai mua

Theo chia sẻ của người dân Xuyên Mộc với báo VTC NEWS, khoảng 1 tháng nay nhãn xuồng cơm vàng đang vào vụ thu hoạch nhưng do dịch bệnh, việc lưu thông hàng hoá khó khăn. Trong khi đó những vùng tiêu thụ nhiều như TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương đang giãn cách xã hội, các chợ đầu mối, chợ bán lẻ đóng cửa khiến mặt hàng nông sản này của nhà vườn bị “mắc kẹt”. Hiện giá nhãn xuồng cơm vàng xuống thấp chỉ còn 15.000 đồng/kg; còn nhãn quế thì có giá 8.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với mọi năm.

Nhãn chín rụng đầy gốc, nhà vườn lo mất trắng (ảnh chụp màn hình video báo Thanh Niên)

Ông Trần Văn Xuyên (ngụ ấp Phú Lâm, xã Hoà Hiệp) cho biết, cả người trồng nhãn và người mua đều gặp rất nhiều khó khăn về vận chuyển, thu mua và tìm nguồn tiêu thụ nhãn.

Hiện nay, ấp Phú Lâm có hơn 300 ha nhãn cần thu hoạch, nhưng từ đầu mùa đến nay, người dân  chỉ bán được khoảng 100 tấn nhãn, còn lại hơn 400 tấn đang mắc kẹt, khả năng cao là người dân không bán được.

Cũng rơi vào hoàn cảnh như ông Xuyên, bà Nguyễn Thị Tịnh (ngụ ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang) nhìn nhãn rụng đầy gốc buồn bã: Gia đình bà có 700 gốc nhãn xuống cơm vàng trồng trên diện tích gần 2,5 ha. Mùa nhãn năm trước vườn nhà bà cho thu hoạch được 7 tấn với giá bán 40.000 – 50.000 đồng/kg. Năm nay vườn nhãn nhà bà sai trái, ước khoảng trên dưới 20 tấn, giờ bán không được.

“Mỗi đêm nhãn trong vườn rụng 700 – 800 kg. Trời mưa là nhãn rụng nhiều. Nếu vài ngày nữa không có thương lái đến mua thì cây nhãn sẽ rụng trái hết”, bà Tịnh cho biết.

Chi phí vận chuyển cao, thương lái cũng gặp khó

Chị Thu Hồng, một thương lái chuyên mua trái cây cho hay, gần đây dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến việc tìm nhân công khó khăn, ngoài ra việc vận chuyển tốn chi phí quá cao, thủ tục làm tại các chốt kiểm soát dịch tốn thời gian. 

Đặc biệt, cả nông dân và người mua đều hạn chế tiếp xúc với nhau, có nhiều nhà vườn khi thấy thương lái đến thu mua thì sợ lây nhiễm bệnh nên từ chối bán, chấp nhận thiệt hại, theo VietNamNet.

Ảnh chụp màn hình báo Dân Việt.

Trong khi đó chị Nguyễn Thị Thu Phượng ở huyện Xuyên Mộc cho biết, ngoài chi phí vận chuyển, các điểm thu mua nhãn tại thành phố thường xuyên ép giá khiến “thương lái nhà vườn” như chị nản chí, không muốn mua bán gì thêm.

“Vừa rồi, tôi cũng đi giải cứu thanh long, nhưng thương lái ở TP.HCM trả giá quá thấp nên mấy tấn thanh long cuối cùng cũng chỉ cho bò ăn chứ không bán được. Bây giờ kêu giải cứu thêm nhãn mà chịu lỗ thì tôi không làm được”, chị Phượng nói.