“Thiết bị kiểm soát số lượng học sinh trên xe rất hữu ích và có thể áp dụng vào thực tế”, Thạc sĩ Nguyễn Minh Hoàng – Trường Cao đẳng Cộng đồng, nhận xét về sáng chế tránh việc bỏ quên trẻ trên xe đưa đón của Tiến An.

Theo Afamily, em Nguyễn Tiến An, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Đăk Tô, Huyện Đăk Tô, Kon Tum) có lần xem thời sự và biết về vụ việc đau lòng học sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe.Từ đó, An đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu và chế tạo thiết bị kiểm soát trên xe.

Sau 2 tháng miệt mài nghiên cứu, với hàng chục lần thử nghiệm, An đã thành công khi chế tạo ra thiết bị kiểm soát học sinh.

An tin rằng thiết bị này sẽ giúp các học sinh an toàn hơn, phụ huynh cũng an tâm hơn khi cho con đi học bằng xe đưa đón. Em rất mong sản phẩm được đưa vào thực tiễn và sử dụng rộng rãi.

Thiết bị này có thể đếm số lượng học sinh. Mỗi học sinh có một mã ID, mỗi khi lên và xuống xe, các em sẽ quét thẻ ID vào thiết bị. Tài xế chỉ cần theo dõi số lượng học sinh được hiển thị trên thiết bị khi lên, xuống xe. Tài xế sẽ dễ dàng phát hiện học sinh bị sỏ sót trên xe nếu thấy bộ đếm không trả về số 0 trong quá trình học sinh xuống xe.

An chia sẻ nguyên tắc thiết bị vận hành: “Đầu tiên khởi động thiết bị, mỗi lần tắt mở tương ứng với việc cập nhật một chuyến xe mới. Khi học sinh lên xe phải quét thẻ, bộ đếm sẽ tăng tương ứng với số học sinh trên xe. Khi đón đủ, tài xế quẹt thẻ để chốt số lượng. Tương tự, học sinh xuống xe cũng quẹt thẻ và bộ đếm sẽ giảm tương ứng. Nếu bộ đếm trả về số 0 thì khởi động lại máy chuẩn bị cho chuyến xe mới. Ngược lại, tài xế phải kiểm tra lại xe và kiểm tra dữ liệu trên thiết bị xem học sinh nào chưa quét thẻ và yêu cầu quét lại (hoặc báo thông tin đó về nhà trường)”. Bên cạnh đó, khi một học sinh lên xe và quét thẻ, nếu đúng còi sẽ kêu và hiện thông tin, nếu sai còi sẽ không kêu và hiện thông tin báo sai.

Cấu tạo của thiết bị gồm mạch điều khiển board Arduino Uno; Module Buzzer; bộ cấp nguồn và màn hình hiển thị (LCD). An dùng phần mềm SolidWork để lập trình cho thiết bị, sử dụng tấm gỗ ép cắt bằng máy CNC tạo thành thẻ ghi ID cho mỗi học sinh. Thời gian tới, em muốn cải tiến một số tính năng như: cảm biến chuyển động, cảm biến thân nhiệt cho thiết bị.

Theo báo Thanh Niên, thiết bị của An được gửi đi tham dự cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên – nhi đồng tỉnh Kon Tum lần thứ 12”. Ngoài thiết bị này, An cũng từng chế tạo thành công một số máy khác như máy quét nhà tự động; máy cấy lúa và đoạt giải khuyến khích ở các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh.

Ông Ngô Đình Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh cho biết, An là học sinh có đam mê sáng tạo, thích khám phá, ham học hỏi. Những sản phẩm An dự thi đều do em tự nghiên cứu, chế tạo và không hề có sự hướng dẫn của giáo viên nhà trường.