Hơn 10 năm nay, cụ già 80 tuổi hái rau mang ra chợ bán, kiếm tiền giúp đỡ bà con nghèo khó, bệnh tật
Người dân xung quanh ngôi chợ nhỏ cạnh UBND xã Bình Phước Xuân vẫn quen gọi cụ Nguyễn Thị Bê (80 tuổi) là cụ Năm Sắt. Mỗi khi nhắc đến cụ Năm, ai cũng dành cho cụ một tình cảm trìu mến thân thương và nhận xét rằng cụ Năm hiền lắm, tốt bụng…
- Chàng trai trẻ lái xe cứu thương xuyên đêm, vượt hơn 500km tới Bắc Giang ‘xin’ chống dịch
- Gần 1.500 gốc dưa hấu sắp thu hoạch bị cắt gốc
- Chăm sóc người dưng gặp nạn trên đường ân cần như mẹ với con, người phụ nữ còn dặn lời xúc động
Theo báo An Giang, trước đây, hai vợ chồng cụ Năm sống bằng nghề làm vườn. Rồi khi chồng qua đời, một mình cụ Năm bươn chải đi bán rau dại, rau muống và bắp chuối bào để nuôi các con nên người. Sau đó, tuổi đã cao nên cụ nghỉ bán, ở nhà cho các con phụng dưỡng.
Chẳng may cụ bị bệnh nan y, phải nhập viện trong cơn nguy kịch. Duyên may gặp nhóm phẫu thuật giỏi nên cụ qua được cơn thập tử nhất sinh, và cũng là khởi đầu cho cơ duyên đưa đẩy cụ đến với việc thiện nguyện này…
Thế là mỗi ngày mọi người đều thấy hành động đẹp của cụ, người thì mua giúp rau, người thì cùng cụ đi mua gạo tặng người nghèo. Làm việc trong niềm yêu thích, trong suốt hơn 10 năm cụ đã âm thầm giúp biết bao cảnh đời bất hạnh.
Công việc mỗi ngày của cụ Năm Sắt
Báo Tuổi Trẻ cho biết, 4h chiều, như mọi ngày, cụ Năm lại bắt đầu việc thiện nguyện vẫn thường làm suốt nhiều năm ròng là đi hái rau đem ra chợ bán.
Bóng cụ đổ dài xuống bờ ao, tuy tuổi đã cao nhưng cụ vẫn còn rất nhanh nhẹn. Đôi tay thoăn thoắt, hái được khoảng 1kg rau muống, rau trai thì cụ lại bươn bả đến mé vườn hái khoai lang, đọt nhãn lồng.
Rồi khi rổ đã đầy tầm được khoảng 3kg, mồ hôi bắt đầu lấm tấm trên gương mặt, cụ vẫn tiếp tục tất tả đi xin cây chuối con, đốn lấy thân cây. Vừa lau mồ hôi, cụ vừa nói: “Mình chịu khó cực chút thì thêm được chút tiền tặng bà con”.
Cụ đem về tẩn mẩn ngồi bào rau muống và chuối thành những sợi nhỏ. Cụ chia sẻ: “Món gỏi rau muống, gỏi chuối bào trước đây đã giúp dì mưu sinh nuôi đàn con, giờ giúp dì làm việc thiện”.
5h sáng, khi trời còn tờ mờ sương, cụ lại lọc cọc đạp xe chở những món đồ quê đến bán ở chợ xã, cách nhà khoảng 1km. Đến chợ, cụ còn mua thêm các loại rau củ quả của các tiểu thương để bán lại với suy nghĩ kiếm được đồng nào hay đồng đó.
Cụ còn nhận lời bán giúp bà con nông dân nải chuối, mớ chanh, trái hạnh, trái gấc. Thế là mỗi ngày, mọi người đều biết hành động đẹp của cụ, nên có người đưa dư không lấy lại tiền thối bởi ai cũng biết những đồng tiền của mình sẽ được cụ Năm chia sẻ cho những bà con khốn khó khác.
Khoảng 10h chợ bắt đầu vãn, cụ vuốt phẳng phiu từng tờ 2.000 đồng, 5.000 đồng, 20.000 đồng rồi múm miếng cười, nói bằng giọng rất vui: “Hôm nay lời được 60.000 đồng, lóng rày dì bán cũng được trên trăm nghìn đồng, để dì mua gạo tặng cho chị Thái”.
Cứ vài ngày, cụ ghé thăm những gia đình neo đơn, thấy ai cần mua thuốc thì cụ giúp tiền, thấy ai cần gạo thì cụ gửi cả chục ký gạo.
Người thì nặng lời, nghèo mà còn làm chuyện tào lao. Ai nói gì thì nói, cụ vẫn giữ kiên định với phát nguyện ban đầu của mình bởi cụ quan niệm: “Trời cho mình sống rất thọ, mình phải làm gì đó giúp đời mới không uổng kiếp người chứ. Vả lại ông bà ta có câu: “Thương người như thể thương thân, đó sao”.
Bên cạnh đó, các con của cụ Năm ngoài lo tròn chữ hiếu còn chung tay góp tiền để mẹ làm việc thiện mặc dù hoàn cảnh của họ cũng rất chật vật.
Niềm vui càng nhân đôi khi cụ được nhiều người xung quanh ủng hộ. Người góp tiền, gạo, người hùn vô ký chanh, ký ớt, người cho cây chuối con, ai gửi bao nhiêu, tặng cho ai, cụ đều nói ra rõ ràng.