Hanoi Metro ghi nhận hơn 54.000 lượt hành khách đi đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chỉ trong ngày thứ hai khai thác thương mại.

Đại diện Metro Hà Nội cho biết, trong ngày 7/11 lượng khách đi tàu Cát  Linh – Hà Đông lên tới 54.121 người, tăng gấp đôi so với ngày đầu tàu đưa vào khai thác thương mại, theo Vietnamnet.

Trong ngày đầu tiên chạy thử nghiệm đã có 109 chuyến tàu hoạt động, đón tiếp 25.680 khách trải nghiệm. Ngày 7/11, do trùng với ngày nghỉ chủ nhật, lượng khách tăng hơn rất nhiều (Ảnh chụp màn hình TTXVN).

Trước tình trạng hành khách đi tàu quá đông đúc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, đại diện Metro Hà Nội cho biết đã đưa ra 4 giải pháp phối hợp với các bên liên quan áp dụng từ ngày 8/11. Cụ thể:

  • Điều tiết khách vào ga ở tầng 1 và tầng 2, tránh quá tải tầng 3 (tầng đón tàu).
  • Tạo các đường dẫn tại các cửa kiểm soát, giao dịch như phát vé, soát vé, cửa vào ga để hành khách đi, chờ đợi theo hàng.
  • Tổ chức, sắp xếp, giám sát hoạt động trông giữ xe cho khách trong thời gian tàu chạy 15 ngày đầu.
  • Khuyến cáo người dân đi trải nghiệm tránh các giờ cao điểm để giảm tập trung đông người.

Trong 2 ngày qua, lượng khách đi tàu đông hơn nhiều so với dự kiến ban đầu của Metro Hà Nội, bên trong các chuyến tàu hầu như không còn chỗ đứng trống.

Nhìn vào hình ảnh người dân xếp hàng  dài cả trăm mét, không đảm bảo giãn cách trong thời điểm Hà Nội phát sinh nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng khiến cho nhiều người đảm thấy lo lắng.

Giữ khoảng cách với người khác hầu như không được coi trọng (ảnh chụp màn hình TTXVN).

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi công từ tháng 10/2011 và dự tính vận hành thương mại vào năm 2015. Tuy nhiên, sau 6 năm so với dự kiến, công trình xây dựng này mới được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bàn giao UBND TP Hà Nội và chính thức đi vào khai thác thương mại hôm 6/11/2021.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải đã chia sẻ với Khoa học và Đời sống rằng: “Đây là dự án có thể sẽ gây tổn thất lớn nhất mà tôi từng chứng kiến và chưa biết bao giờ hoàn được vốn…  Hệ quả của nó gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế”.

Ông Thủy cũng cho rằng do dưới áp lực dư luận, dự án tuy gọi là hoàn thành nhưng nó có một cái gì đó dường như chưa trơn tru và hoàn hảo.

Tổng mức đầu tư ban đầu phê duyệt (năm 2008) là 8.769 tỷ đồng, đến năm 2016, 2017 được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng).