Chính phủ Indonesia đề nghị Nhật Bản “giải cứu” tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung với hi vọng thúc đẩy tiến độ, do đây là dự án Trung Quốc thực hiện nhưng đang bị chậm tiến độ và đội giá.

Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc đã giành được dự án Jakarta-Bandung từ Nhật Bản hồi năm 2015 với kế hoạch không cần đóng góp tài chính từ chính phủ Indonesia.

Tuyến đường sắt dài 140km sẽ cắt giảm thời gian di chuyển giữa Jakarta và Bandung từ 3,5 giờ xuống còn 45 phút. Lễ khởi công dự án được tổ chức vào tháng 01/2016, dự án dự kiến sẽ được hoàn tất ​​ra mắt vào năm 2019.

Bắc Kinh coi đây là một phần quan trọng của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013. Trong một cuộc họp với Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo vào tháng 6/2019, ông Tập đã nói “Chúng ta phải xây dựng đều đặn và nâng cao chất lượng hợp tác theo Sáng kiến ​​Một vành đai, Một con đường“.

Tuy nhiên, do chậm trễ trong việc giải tỏa đất đai, đây là một điều kiện tài chính từ phía Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (ngân hàng này tài trợ 75% kinh phí) khiến dự án bị đình trệ và bị đẩy lùi đến tận năm 2021. Gần đây, việc xây dựng tiếp tục bị trì hoãn do Indonesia áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tránh lây lan coronavirus.

Bộ trưởng kinh tế Indonesia, Airlangga Hartarto cho biết dự án sẽ bị kéo dài hơn một năm nữa, đồng thời chi phí triển khai dự án Jakarta-Bandung đã bị đẩy từ 5,5 tỷ USD lên 6 tỷ USD. Ngày 29/5, chính phủ Indonesia đã thảo luận và đánh giá lại các dự án chiến lược quốc gia và đề xuất ý tưởng mở rộng tuyến đường sắt tốc độ cao giữa thành phố Jakarta – Bandung đến Surabaya. Sau khi hoàn thành kế hoạch, Indonesia sẽ đề nghị Nhật Bản tham gia dự án.

Sự thay đổi trong kế hoạch của Indonesia có thể gây khó khăn cho phía Nhật Bản, do dự án Jakarta-Surabaya có thông số kỹ thuật khác với tuyến đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 04/06, ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết, Nhật Bản là một đối tác quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng của Indonesia, sẽ giúp kết nối hơn nữa các thành phố của Indonesia, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Chi phí dự án Jakarta – Bandung mà Trung Quốc tài trợ bị đội vốn. Giới chức chính phủ Indonesia đã lập luận rằng một tuyến đường sắt duy nhất chạy qua Bandung đến Surabaya sẽ hiệu quả hơn so với các tuyến đường riêng biệt đi về phía đông và đông nam từ thủ đô. Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia dự kiến ​​sẽ soạn một kế hoạch mới và sau khi hoàn thành sẽ chính thức đề xuất kế hoạch này cho phía Nhật Bản.

Nhiều quốc gia bị mắc kẹt  trong chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh do phần lớn dự án Trung Quốc rót vốn và xây dựng đều bị đội giá và chậm tiến độ.  Không chỉ dự án đường sắt cao tốc của Indonesia bị đội vốn và chậm tiến độ. Trong nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc theo “Sáng kiến Vành đai và Con đường” có một vấn đề chung rất nghiêm trọng đó là hiệu quả kinh tế không cao nhưng chi phí lớn, khiến các quốc gia chủ nhà lâm vào cảnh nợ nần không lối thoát.

Điển hình là dự án xây cảng Hambantota tại Sri Lanka. Theo New York Times, tài liệu ngoại giao bị WikiLeaks công bố cho thấy, chính quyền Sri Lanka vay khoản đầu tiên 307 triệu USD để xây cảng Hambantota. Cuối năm 2017, Sri Lanka phải giao quyền quản lý cảng Hambantota theo hợp đồng cho thuê kéo dài 99 năm cho Công ty CMPort của Trung Quốc do doanh thu của cảng quá thấp, không đủ để trả nợ. Không những bị mất chủ quyền quản lý cảng này, quốc gia Sri Lanka vẫn nợ Trung Quốc tới 8 tỷ USD.

Pakistan cũng ngập nợ Trung Quốc, tổng đầu tư cho sáng kiến Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) chỉ vào khoảng 46 tỷ USD năm 2014, đã đội lên 62 tỷ USD trong năm 2019 vì chi phí các dự án liên tục phình to. 

Việc Indonesia sẵn sàng rút khỏi Trung Quốc, quay sang đề xuất của Nhật Bản khiến giới quan sát nhìn nhận Indonesia đã khá dũng cảm đưa đến quyết định một cách dứt khoát như vậy. Có lẽ đây cũng là một ví dụ để các nước khác cũng có sự cân nhắc trong các dự án với Trung Quốc.