Ngày 21/6 ngọn núi lửa Merapi còn hoạt động mạnh nhất tại Indonesia phun trào tro bụi cao tới 6km lên bầu trời, buộc giới chức nước này phải ban bố cảnh báo hàng không mức cao nhất.

Cơ quan Giám sát núi lửa Indonesia cảnh báo gió đang thổi theo hướng Tây của miệng núi lửa, đồng thời khuyến cáo người dân địa phương không đi lại vào khu vực bán kính 3km tính từ chân núi lửa.

núi lửa phun
Chính quyền khuyến cáo người dân địa phương không đi lại vào khu vực bán kính 3km – ảnh trên twitter hashtag.

Do hoạt động của núi lửa phun tro bụi đe dọa đến an toàn hàng không, cảnh báo màu đỏ được đưa ra. Đây là mức cảnh báo cao nhất, mọi chuyến bay đều bị cấm thực hiện qua không phận gần núi lửa.

Nằm trên đảo chính Java, núi lửa Merapi cao hơn 2.900m, là một trong 129 núi lửa còn hoạt động tại Indonesia và bắt đầu phuntrào thường xuyên từ năm 1548. Từ tháng 9/2019 đến nay, núi lửa này đã phun trào âm ỉ 14 lần. Lần gần đây nhất, núi lửa hoạt động là vào hồi tháng 4, dẫn đến cảnh báo hàng không màu cam (mức cảnh báo thứ hai).

Núi lửa phun trào
Ngọn núi lửa ban đêm – ảnh trên Báo quốc tế.

Trong lần Merapi phun trào hồi tháng 10 và 11/2010, tổng cộng có 353 người đã thiệt mạng và hơn 350.000 người khác phải sơ tán. Đây là vụ phun trào tồi tệ nhất của Merapi kể từ năm 1930, thời điểm núi lửa “thức giấc” và khiến tổng số 1.300 người thiệt mạng.

Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực ẩn chứa nhiều bất ổn về các hoạt động địa chấn, nước này thường xuyên hứng chịu các trận động đất hoặc núi lửa phun trào gây tác động lớn cho cuộc sống người dân và an ninh khu vực.