Lực lượng Phòng vệ Israel hôm 25/12 vừa qua đã quyết định đình chỉ 11 máy bay chiến đấu F-35A của họ, sau một sự cố ở bang Texas (Mỹ) hôm 16/12 khi ​​​​một chiếc F-35B Lightning II của Không quân Mỹ bị rơi trong khi cố gắng hạ cánh. 

Theo CBS News, chiếc F-35B đang tiến hành hạ cánh thẳng đứng thì gặp trục trặc, lật nghiêng và phát ra một đám khói. Phi công ngay lập tức nhảy dù và “dường như không bị thương”. Mỗi chiếc F-35B này có giá khoảng 100 triệu đô la.

Theo tờ Jerusalem Post, Phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, “quyết định ngừng bay được đưa ra sau khi đánh giá ban đầu về máy bay F-35 của Israel, và cho thấy những trục trặc có thể xảy ra tương tự như những gì đã xảy ra trong vụ tai nạn của máy bay chiến đấu Mỹ”. 

Đánh giá ban đầu cho thấy chiếc máy bay do Mỹ cung cấp có thể có những khiếm khuyết tương tự dẫn đến vụ tai nạn ở Texas. Quyết định hạ cánh các máy bay phản lực vẫn được đưa ra để đề phòng vì vẫn chưa rõ liệu F-35 của Israel có gặp vấn đề tương tự hay không.

Đây là lần thứ hai Israel buộc phải dừng các chuyến bay F-35 chỉ trong năm nay. Trở lại vào tháng 7, Israel đã đình chỉ các máy bay phản lực một thời gian sau khi phát hiện ra sự cố ghế phóng. Không quân Mỹ cũng phải đình chỉ toàn bộ phi đội F-35 vào thời điểm đó để khắc phục sự cố này.

Nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin quảng cáo đây là một trong những chiến đấu cơ tiên tiến nhất từng được phát triển. Dự án F-35 cũng là một dự án tốn kém đối với ngân sách Mỹ, với hàng loạt sự chậm trễ, trục trặc và vượt chi phí. 

Tuy nhiên sự cố F-35 vẫn chưa là gì so với sự cố xảy ra hôm 10/12 với chiếc B-2 gặp sự cố gãy càng khi hạ cánh khẩn cấp xuống  Căn cứ Không quân Whiteman, bang Missouri. Mỗi chiếc B-2 được mệnh danh là Siêu bóng ma này có giá hơn 1 tỷ đô la.

Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit nằm chắn ngang đường băng duy nhất của sân bay, một phần lệch khỏi đường băng khiến mọi hoạt động tại căn cứ này bị đình trệ. Ảnh vệ tinh cho thấy chiếc B-2 đã nằm phơi mình tại hiện trường hơn 8 ngày, với phần cánh trái dường như bị hư hại nặng.

Mặc dù Không đoàn ném bom số 509, đơn vị vận hành phi đội B-2 từ chối  trả lời các câu hỏi về mức độ thiệt hại của nó, nhưng sự cố dường như nghiêm trọng đến mức buộc Không quân Mỹ phải đóng cửa đường băng duy nhất tại căn cứ Whiteman cho đến năm 2023.

Không những thế Không đoàn ném bom số 509 còn quyết định tạm đình chỉ bay toàn bộ 20 chiếc B-2 trong đội bay của họ để tiến hành kiểm tra an toàn.

Tờ Aviationist lần đầu tiên đưa tin về việc ngừng hoạt động này. Phát ngôn viên Không đoàn ném bom số 509 Del Vecchio cho biết tình trạng đình chỉ  hoạt động có thể sẽ kéo dài vô thời hạn.

Đây được cho là một tổn thất đối với lực lượng không quân Mỹ khi đây là chiếc B-2 thứ hai gặp sự cố và bị hỏng nặng trong hơn một năm qua. Sự cố tương tự đã xảy ra hồi tháng 9/2021, khi chiếc B-2 mang số hiệu 89-0129 bị sập càng và lao khỏi đường băng, khiến căn cứ Whiteman cũng bị đóng cửa. 

Lực lượng Không quân Mỹ hiện giờ chỉ còn 20 chiếc B-2 sau khi một  chiếc B-2 đã bị phá hủy hoàn toàn trong một vụ tai nạn vào năm 2008. Quân đội Mỹ đã nỗ lực hết sức để giữ những chiếc còn lại có thể bay được sau các sự cố, bao gồm cả việc sửa chữa chiếc máy bay liên quan đến sự cố năm 2021, và nỗ lực sửa chữa kéo dài suốt 4 năm để khôi phục chiếc máy bay bị hư hại năng trong một đám cháy ở Guam vào năm 2010 với chi phí rất cao. 

Whiteman là căn cứ đóng quân duy nhất của phi đội B-2 Mỹ, và các sự cố liên tục xảy ra đã khiến giới chuyên gia quân sự đặt dấu hỏi về tính thực tiễn của việc tập trung toàn bộ lực lượng B-2 tại sân bay chỉ có một đường băng ở khu vực hẻo lánh của bang Missouri. 

Các chuyên gia quân sự cho rằng, toàn bộ nhóm tác chiến B-2 có thể mất hoàn toàn khả năng chiến đấu nếu căn cứ Whiteman bị tập kích và hư hại.

Có thể bạn quan tâm: